Các bệnh da liễu thường gặp và cách phòng tránh

Nội Dung

Các bệnh lý da liễu rất phổ biến trong dân số, và hầu như ai cũng mắc ít nhất một vấn đề về da. Mặc dù kiến thức chăm sóc da và skincare trong người dân đã được nâng cao, tuy nhiên các bệnh lý da thường gặp vẫn thường làm cho mọi người bối rối không biết nên xử trí thế nào và làm cách nào để phòng tránh. Hãy cũng Medcare tìm hiểu về các bệnh về da thường gặp nhé.

Viêm da cơ địa (chàm)

Viêm da cơ địa (hay còn gọi là bệnh chàm) là một bệnh ngoài da thường gặp, đây là một bệnh về da xảy ra cả người lớn và trẻ em và là nguyên nhân hàng đầu gây ngứa cho da. 

1. Dấu hiệu nhận biết:

Bệnh đặc trưng bởi hình ảnh phát ban trên da như nổi đỏ da, ngứa dữ dội kèm khô da với nhiều đợt tái phát và lui bệnh, đôi khi bệnh nhân sẽ mô tả là da nổi sần ngứa hay nổi phong ngứa. 

Ngứa thường tăng lên khi nóng, đổ mồ hôi và thường khiến người bệnh cào gãi nhiều, có thể gây nhiễm trùng và chảy dịch. 

2. Cách phòng tránh/xử trí ban đầu khi mắc bệnh

  • Cần sử dụng dưỡng ẩm thường xuyên nhằm tránh để da khô, có thể dùng các loại dưỡng ẩm có thành phần bổ sung hàng rào bảo vệ da và hạn chế kích ứng.
  • Dưỡng ẩm cần thoa khi da khô và trong vòng vài phút sau khi tắm
  • Bệnh nhân nên tắm hằng ngay, tắm không quá 10 phút và không nên tắm nước quá nóng.
  • Nên sử dụng các sản phẩm không xà phòng, không mùi thơm chuyên biệt cho da khô và nhạy cảm.
  • Ngoài ra cần tránh các yếu tố làm nặng là hương liệu, xà phòng, rửa tay thường xuyên, bụi mạt nhà.

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu rất thường gặp, bệnh là tình trạng viêm da cấp tính do tiếp xúc trực tiếp với chất gây bệnh.  Viêm da tiếp xúc có thể xuất hiện khi sử dụng một sản phẩm mới nào đó hoặc sau nhiều tháng nhiều năm, bệnh cũng có thể do đeo các loại trang sức kim loại, do nước hoa, mỹ phẩm, sơn móng tay, mang dày dép…bệnh cũng có thể do sử dụng thuốc bôi ngoài da không đúng cách. 

1. Dấu hiệu nhận biết

Bệnh đặc trưng bởi hình ảnh phát ban trên da như nổi đỏ da, tróc vảy, đau hoặc ngứa tại vị trí tiếp xúc, có thể kèm mụn nước và rỉ dịch. 

2. Cách phòng tránh/xử trí ban đầu khi mắc bệnh

  • Ngưng tiếp xúc với tác nhân gây nên tình trạng viêm da tiếp xúc
  • Cần sử dụng các loại dưỡng ẩm dịu nhẹ, có bổ sung các thành phần phục hồi bảo vệ da
  • Cần mang các quần áo bảo hộ, găng tay khi làm việc dưới môi trường tiếp xúc thường xuyên với hóa chất
  • Thoa dưỡng ẩm ngay lập tức sau khi rửa tay với dung dịch sát khuẩn

 

Xem thêm về viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang tại đây.

 

Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một trong những hình ảnh bệnh về da thường thấy nhất. Đây là một bệnh da liễu thường gặp, gây viêm da kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bệnh nhân. 

1. Dấu hiệu nhận biết

Giống với cái tên, bệnh đặc trưng bởi hình ảnh đỏ da kèm bề mặt tróc vảy trắng như sáp từ cây nến, đôi khi ngứa, ngoài ra bệnh có thể gây tổn thương móng, khớp và nhiều cơ quan khác. 

2. Cách phòng tránh/xử trí ban đầu khi mắc bệnh

  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá, căng thẳng và cào gãi
  • Cần ăn uống đủ chất, tập thể dụng và không để thừa cân
  • Uống đủ nước và giữ ấm cho cơ thể
  • Thoa dưỡng ẩm thường xuyên, sử dụng các loại dưỡng ẩm dịu nhẹ
  • Tránh các sản phẩm chăm sóc da có tính tẩy rửa mạnh

 

Nổi mề đay – mẩn ngứa

Mề đay (còn gọi là mày đay) hay mẩn ngứa là bệnh lý da liễu rất thường gặp, do phản ứng của mạch máu trên da gây phù và ngứa. Đây là bệnh về da thường gặp và không có khả năng lây từ người này sang người khác. Bệnh có thể do tình trạng dị ứng với thức ăn, thuốc hoặc vi sinh vật, tình trạng chà sát da, nước quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc sau khi vận động. 

1. Dấu hiệu nhận biết

Bệnh đặc trưng bởi ban đỏ, ngứa ngoài da và giống vết mũi đốt. Bệnh có thể kéo dài gây ảnh hưởng đời sống người bệnh. 

2. Cách phòng tránh/xử trí ban đầu khi mắc bệnh 

Mặc quần áo thoải mái

Tránh chà xát lên vùng da bị nổi mề đay hoặc sử dụng các loại xà phòng độc hại;

Làm mát khu vực bị nổi mẩn bằng vòi sen, quạt, vải mát hoặc kem dưỡng da loại nhẹ;

Lập danh sách khi nào và ở đâu bệnh xuất hiện, lúc đó đang làm gì, ăn gì… điều này có thể giúp người bệnh và bác sĩ xác định chính xác yếu tố gây bệnh;

Tránh các thức ăn, đồ uống gây dị ứng.

Hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh

 

Bệnh ghẻ

1. Dấu hiệu nhận biết

Bệnh ghẻ là một một bệnh lý da liễu thường gặp, bệnh về da này đặc trưng bởi tình trạng ngứa da dữ dội do ký sinh trùng cái ghẻ trên da gây ra. Bệnh thường lây rất nhanh khi tiếp xúc trực tiếp, thường lây cho các thành viên trong gia đình. Ghẻ là bệnh không gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, tuy nhiên nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh và những người xung quanh, đặc biệt nó  sẽ gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp. 

2. Cách phòng tránh/xử trí ban đầu khi mắc bệnh 

  • Tránh tiếp xúc da với da của người mắc bệnh ghẻ
  • Điều trị tất cả những người bị ghẻ sống chung cùng một lúc.
  • Nên bôi thuốc vào buổi tối trư­ớc khi đi ngủ: bôi một lớp mỏng từ cổ đến chân, bôi 2-3 đêm liên tục mới tắm.
  • Hạn chế, tốt nhất là nên tránh kỳ cọ cạo gãi vì nó có thể gây viêm da, nhiễm khuẩn.
  • Không được bôi các thuốc hại da như DDT, 666, Volphatox,lá cơi….
  • Cần bôi liên tục 10- 15 ngày; theo dõi sau 10-15 ngày vì có thể có đợt trứng mới nở.
  • Điều trị kết hợp với phòng bệnh chống lây lan. Giặt, phơi quần áo, chăn màn, đồ dùng của người bệnh cách xa với đồ dùng của những người xung quanh.
  • Cách ly người bệnh, không dùng chung quần áo, ngủ chung.

 

Nấm da

1. Dấu hiệu nhận biết

Nấm da là một bệnh lý da liễu thường gặp, bệnh có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau như nấm tóc, nấm thân, nấm móng, nấm bẹn. Nấm có thể lây lan từ người sang người, từ động vật hoặc đất. Môi trường ẩm ướt, kém vệ sinh như nhà tắm, vớ ướt, hồ bơi công cộng có thể làm bệnh lây lan. Bệnh nhân béo phì và tiểu đường cũng là đối tượng dễ nhiễm nấm. 

2. Cách phòng tránh/xử trí ban đầu khi mắc bệnh 

  • Bệnh nhân nên giữ vùng da khô ráo, nên mang giày dép và quần áo thông thoáng, thoải mái.
  • Cần giặc tất cả quần áo với nước nóng.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, ngủ cùng giường…
  • Không nên đi chân trần ở các khu vực công cộng.
  • Có thể sử dụng các loại bột chống nấm khi mang giày.
  • Khoài ra cần hạn chế cào gãi, tiếp xúc với các hóa chất gây kích ứng da.

 

Bệnh zona người lớn (Giời leo)

1. Dấu hiệu nhận biết

Bệnh zona hay giời leo là bệnh lý da liễu thường gặp, bệnh ngoài da là do sự tái hoạt động của virus herpes zoster, virus này cũng chính là nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu. Trước khi biểu hiện ở da, bệnh nhân thường có cảm giác ngứa, đau và sờ đau, triệu chứng đau có thể gây nhầm với các bệnh lý như đau ngực, đau bụng, đau lưng…sau vài ngày, vùng da nổi các chùm mụn nước trên nền da đỏ, rất đau và có thể rỉ dịch. Một số bệnh nhân có thể đau kéo dài sau khi lành da gọi là đau dây thần kinh sau zona, đây là một tình trạng nghiêm trọng và cần điều trị kịp thời. 

Doctor giving injection to boy

2. Cách phòng tránh/xử trí ban đầu khi mắc bệnh 

  • Giữ cho vùng da sạch sẽ, khô ráo và thông thoáng
  • Hạn chế chà sát, cào gãi vùng da tổn thương.
  • Mặc quần áo rộng để tránh tổn thương thêm da.
  • Không đắp các chất lạ hoặc lá lên vùng da tổn thương.
  • Hạn chế căng thẳng trong cuộc sống
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vitamin, tập luyện thể dục nhằm nâng cao hệ miễn dịch.

 

Viêm nang lông, nhọt, nhọt cụm, áp xe da

Viêm nang lông là bệnh lý thường gặp, trong đó các nang lông bị viêm ở phần nông hoặc phần sâu của chúng. Viêm nang lông có thể lây nhiễm hoặc không lây nhiễm. Các trường hợp nặng hơn, viêm nang lông có thể trở thành các áp xe da như nhọt, nhọt cụm. Viêm nang lông, nhọt và nhọt cụm thường do nhiễm trùng, chấn thương do cọ xát liên tục, hoặc kích ứng.

1. Dấu hiệu nhận biết

Viêm nang lông đặc trưng bởi hiện tượng sưng đỏ, và có thể ấn đau nhẹ xung quanh nang lông.

Nhọt, nhọt cụm, áp xe da có biểu hiện là những mụn mủ, nang chứa mủ nằm sâu dưới da, ấn rất đau. Chúng thường có vị trí ở vùng bẹn, vùng gáy, dưới cánh tay hoặc đùi.

2. Cách phòng tránh/xử trí ban đầu khi mắc bệnh 

  • Giữ vệ sinh da tốt giúp phòng tránh các bệnh lý này, và cũng rất cần thiết để lành bệnh khi đã mắc bệnh.
  • Rửa tay với xà phòng  và nước ấm ít nhất từ 20 đến 30 giây sau khi chạm vào nhọt. 
  • Không dùng lại hoặc dùng chung khăn tắm và các loại khăn khác với người bệnh.
  • Thay băng thường xuyên, giữ vết thương khô ráo.
  • Nhọt và nhọt cụm thường sẽ cần được rạch dẫn lưu sau khi đã hoá mủ hoàn toàn.

 

Mụn cóc (Hạt cơm)

Mụn cóc hay còn gọi là bệnh hạt cơm là một tình trạng rất thường gặp. Bệnh do virus HPV gây ra khi virus xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết cắt hoặc vết thương trên da. Bệnh có thể lây lan tới các vị trí khác trên cơ thể, và cũng có thể lây cho người khác. Có nhiều loại mụn cóc khác nhau. Các vị trí hay gặp của mụn cóc: bàn tay và bàn chân, vùng sinh dục và hậu môn. 

1. Dấu hiệu nhận biết

Bệnh thường biểu hiện là những sẩn sừng có giới hạn rõ, trên bề mặt có rải rác những chấm màu đen.

2. Cách phòng tránh/xử trí ban đầu khi mắc bệnh 

Tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc của người khác, và tránh sử dụng chung vật dụng cá nhân.

Rửa tay thường xuyên.

Các vết thương trên da cần được vệ sinh và che chắn kĩ.

Ngưng cắn móng tay.

Tiêm ngừa vaccine HPV.

Bên cạnh những cách xử trí ban đầu được đề cập ở phía trên, tất cả các bệnh lý này đều cần điều trị đặc hiệu để khỏi bệnh và tránh tái phát trong tương lai.

Nếu bạn đang mắc phải vấn đề da liễu bất kỳ, liên hệ ngay với phòng khám Medcare để được các bác sĩ da liễu giỏi chuyên môn thăm khám và điều trị nhé. Mong rằng bài viết trên đã giúp người đọc hiểu thêm về các bệnh về da và cách phòng tránh.

Chia sẻ