ZONA thần kinh và những điều cần biết

Nội Dung

Zona thần kinh là bệnh gì?

Bệnh Zona thần kinh, (bệnh giời leo)  là một dạng biểu hiện lâm sàng của hiện tượng tái hoạt động virus thủy đậu  tại hạch thần kinh cảm giác dọc cột sống và hạch cảm giác thần kinh sọ. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là phát ban dạng mụn nước trên nền hồng ban, phân bố khu trú theo phân bố thần kinh ở một bên cơ thể kèm theo cảm giác đau rát kiểu tổn thương thần kinh cảm giác.

Di chứng đau sau Zona vẫn là  một vấn đề đối với sức khỏe cộng đồng vì nó gây suy giảm về chất lượng cuộc sống bệnh nhân, cũng như gia tăng chi phí y tế và xã hội liên quan đến bệnh zona.

Nguyên nhân gây ra bệnh zona:

  • Bệnh Zona là dạng tái hoạt của virus varicella zoster, trên bệnh nhân trước đó đã từng mắc bệnh thủy đậu.  Gần 70% người bị zona trên 50 tuổi, tuy nhiên cũng có gần 5% trường hợp trẻ dưới 15 tuổi. Thông thường, khi mắc zona thường chỉ bị một lần nhưng cũng có một số người bị tái phát.
  • Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người có suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, hoặc do sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như thuốc chống ung thư, thuốc chống thải mảnh ghép, corticoid…, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, rối loạn chuyển hóa, các bệnh về máu, mệt mỏi tinh thần, nhiễm lạnh.

Triệu chứng và biến chứng có thể gặp của zona:

1. Triệu chứng thường gặp:

  • Trước khi tổn thương xuất hiện khoảng 2-3 ngày thường có cảm giác báo hiệu như: rát, đau vùng sắp xuất hiện tổn thư­ơng kèm theo triệu chứng toàn thân ít hoặc nhiều như mệt mỏi, đau đầu… Hạch ngoại vi có thể sưng và đau.
  • Vị trí thường khu trú tập trung ở những vị trí đặc biệt và chỉ có một bên của cơ thể dọc theo các đường dây thần kinh, như­ng cá biệt có thể bị cả hai bên hay lan toả.
  • Tổn thương bắt đầu là các mảng đỏ sậm, hình tròn, bầu dục lần l­ượt xuất hiện dọc theo dây thần kinh, rải rác hoặc chụm lại thành dải, thành vệt, sau 1-2 giờ trên mảng đỏ xuất hiện những mụn n­ước chứa dịch trong, căng khó vỡ, các mụn nước tập trung thành cụm (như­ chùm nho), về sau đục, vỡ, xẹp để lại sẹo (nếu nhiễm khuẩn). Tr­ước hoặc cùng lúc với tổn thương ở da thư­ờng nổi hạch sưng và đau ở vùng tư­ơng ứng là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán.

2. Biến chứng có thể xảy ra:

  • Mụn nước có thể bị bội nhiễm gây ra viêm mô tế bào, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, tổn thương viêm sau khi lành có thể để lại sẹo giảm sắc tố.
  • Khi bị zona ở mặt, đặc biệt ở trán và mũi, có thể làm mí mắt sưng, kết mạc sung huyết, giảm thị lực, tăng nhãn áp, mù.
  • Đau sau zona: đau vẫn còn tồn tại sau khi tổn thương da đã lành từ 1 tháng trở lên, hay gặp ở người già, zona mắt, đau nhiều. Bệnh nhân có cảm giác nóng bỏng tự nhiên liên tục, có thể đau nhói tự nhiên từng cơn ở một bên cơ thể, đa số triệu chứng này tự biến mất sau vài tháng, một số bệnh nhân bị kéo dài vài năm.
  • Các cơ quan khác: viêm não – màng não, liệt thần kinh mặt…

Điều trị bệnh zona:

Nguyên tắc điều trị là ngăn sự phát triển của virus bằng thuốc kháng siêu vi như acyclovir thoa và uống, giảm đau và điều trị biến chứng.

Thuốc kháng siêu vi:

Giúp hạn chế sự lan rộng của bệnh, giảm mức độ đau và sự phát ban, ngăn ngừa đau thần kinh sau Zona

Thời điểm dùng thuốc: tốt nhất là trước 72 giờ kể từ lúc bắt đầu phát ban ở ngoài da, sau 72 giờ vẫn có thể dùng khi còn xuất hiện mụn nước mới hay bị tổn thương thần kinh sọ trong zona mắt.

Thuốc giảm đau:

Đau nhẹ: kháng viêm không steroid, acetaminophen

Đau trung bình – nặng: thuốc giảm đau ngoại biên kết hợp với giảm đau trung ương.

Điều trị biến chứng:

Bội nhiễm: chăm sóc tại chỗ kết hợp với kháng sinh uống phổ rộng hoặc theo kháng sinh đồ.

Đau sau zona: Pregabalin, gabapentin, miếng dán Lidocain, kem Capsaicin, chống  trầm cảm 3 vòng, giảm đau Opioids

Mắt: khám chuyên khoa mắt để phát hiện tổn thương mắt nhằm xử trí kịp thời.

Người bị bệnh cần kiêng gì?

Người bị zona thần kinh nên bổ sung những thực phẩm dưới đây để bệnh nhanh chóng hồi phục:

·  Thực phẩm giàu vitamin C và kẽm như: cam, gan động vật, bơ,… giúp tăng cường sức đề kháng.

·  Thực phẩm giàu lysine có trong sữa, cá, các loại đậu, pho mát,…·  Bổ sung vitamin B6, B12.

Những lưu ý khi bị zona:

Hiện tại chưa có phương pháp nào hiệu quả nhất trong dự phòng bệnh zona.

Nếu chưa từng bị thủy đậu thì có thể bị lây bệnh thủy đậu từ những tiếp xúc gần gũi với những sang thương hở miệng ở những người bị Zona. Dùng quần áo che phủ sang thương lại giúp giảm nguy cơ lây lan cho người khác.

Sử dụng Vaccine ngừa thủy đậu  có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Zona do làm tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại VZV hoặc giữ chúng trong trạng thái bất hoạt. Những cải tiến của loại vaccine này đang được nghiên cứu và có thể giúp ngừa được bệnh Zona trong tương lai.

Khi bị zona thần kinh, hạn chế chà sát hoặc làm vỡ mụn nước, rửa tay thường xuyên trước và sau khi chăm sóc vết thương.

Chia sẻ