Bệnh vảy nến

Nội Dung

1. Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là một bệnh lý viêm da mạn tính thường gặp, ngoài gây tổn thương tại da, bệnh vảy nến còn được xem là một bệnh lý hệ thống toàn thân gây ra tổn thương nhiều cơ quan như khớp, tim mạch, tiêu hóa, tâm thần… Bệnh diễn tiến thành nhiều đợt tiến triển và thoái lui, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

Theo thống kê hiện nay có 2-3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Thông thường, các tế bào da sau khi trưởng thành sẽ chết đi và bong ra để thay thế bằng tế bào da mới, tuy nhiên trên bệnh nhân vảy nến, do sự tăng sinh quá nhanh của tế bào da khiến tế bào da cũ không kịp bong ra, dẫn đến sự tích tụ tế bào da quá mức khiến làn da trở nên sần sùi, tróc vảy trắng như vụn cây nến.

Tổn thương vảy nến thường không có triệu chứng ngứa và đau, tuy nhiên một số trường hợp bệnh nhân vẫn có hai triệu chứng trên. Bệnh khiến người bệnh bị xa lánh và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh. Hiện nay bệnh vảy nến có xu hướng gia tăng tại Việt Nam.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến?

Sinh bệnh học của bệnh vảy nến còn chưa được hiểu biết hoàn toàn. Bệnh vảy nến được cho là do tương tác giữa yếu tố di truyền và môi trường. Bệnh nhân có kiểu gien nhạy cảm sẽ có những thay đổi trong đáp ứng miễn dịch nguyên phát, thứ phát và bất thường trong quá trình biệt hóa của thượng bì. Dưới tác động các yếu tố kích hoạt từ môi trường như chấn thương, nhiễm trùng, thuốc, stress tâm lý… làm xuất hiện những đáp ứng viêm mạn tính ở da, với sự tham gia của tế bào lympho T, tế bào đuôi gai, các cytokine và chemokine…

Về yếu tố di truyền, tùy thuộc vào nghiên cứu, tiền căn gia đình chiếm khoảng 35 – 90% trong số các bệnh nhân vảy nến. Theo một nghiên cứu khảo sát lớn ở Đức, nếu cả cha và mẹ cùng mắc bệnh vảy nến, nguy cơ đứa bé mắc bệnh vảy nến là 41%; trong khi chỉ có cha hoặc mẹ bị vảy nến, nguy cơ cho đứa bé giảm còn 14%; và nguy cơ này chỉ 6% nếu chỉ có 1 anh, chị hoặc em ruột mắc bệnh. Các nghiên cứu khác về hệ gien cũng xác định 9 vùng gien nhạy cảm liên quan tới vảy nến nằm ở các vị trí khác nhau trên nhiễm sắc thể (PSORS1-9). Trong đó, PSORS1 nằm trên nhánh ngắn NST số 6 đóng vai trò quan trọng, chiếm 50% nguy cơ mắc bệnh vảy nến.

Về yếu tố môi trường, chúng được cho là đóng vai trò kích hoạt, khởi phát bệnh lý vảy nến trên một cơ địa có kiểu gien nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố này bao gồm những yếu tố từ bên ngoài như chấn thương cơ học, bỏng nắng, … hoặc những yếu tố hệ thống của bệnh nhân như stress tâm lý, nhiễm trùng, thuốc, canxi máu thấp, uống rượu, hút thuốc lá…

3. Đường lây truyền bệnh vảy nến?

Vì là bệnh da liễu nên đa số mọi người thường lo lắng bệnh này có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì bệnh này không lây nhiễm và cũng không lan từ vị trí này sang vị trí khác trên cơ thể người bệnh.

4. Triệu chứng của bệnh vảy nến?

Bệnh vảy nến có đặc điểm lâm sàng đa dạng, có thể chia làm 3 thể lâm sàng chính: vảy nến thông thường, vảy nến mủ và viêm khớp vảy nến. (Rook 2016)

Vảy nến thông thường là thể lâm sàng thường gặp nhất của vảy nến, chiếm khoảng 80-90% các trường hợp. Sang thương da điển hình là các sẩn hoặc mảng hồng ban tróc vảy giới hạn rõ với vùng da lành. Sang thương có màu đỏ tươi đặc trưng như màu cá hồi, vảy màu trắng bạc, tróc thành từng phiến, nhiều lớp. Các lớp vảy này khi được cạo ra sẽ để lại một nền da đỏ với các chấm xuất huyết (dấu hiệu Auspitz). Vảy nến thông thường có thể được chia thành nhiều dưới thể lâm sàng dựa vào hình thái sang thương hoặc vị trí phân bố.

Theo hình thái lâm sàng, vảy nến thông thường có thể chia thành:

Vảy nến mảng:

Sang thương chủ yếu là mảng (đường kính >1cm), tính chất tương tự mô tả ở trên. Sang thương có thể đơn độc hoặc nhiều, phân bố đối xứng, vị trí ưu thế ở các vùng tì đè như cùi chỏ, đầu gối, vùng xương thiêng. Bệnh thường diễn tiến mạn tính, với nhiều đợt bùng phát nhiều và ổn định.

Vảy nến giọt:

Thường gặp ở trẻ em và thanh niên, khởi phát sau một nhiễm trùng hô hấp trên, bằng chứng nhiễm liên cầu nhóm A được tìm thấy ở hơn 60% trường hợp. Sang thương chủ yếu dạng sẩn, đường từ 2-3mm đến 1cm, màu đỏ tươi, tróc vảy ít, phân bố rải rác khắp cơ thể, ưu thế ở thân mình và đầu gần của chi. Bệnh thường diễn tiến cấp tính, lui bệnh sau khoảng 3 tháng và một tỉ lệ người bệnh sẽ diễn tiến thành vảy nến mảng.

Vảy nến đỏ da toàn thân:

Dưới sự khởi phát của một số yếu tố như ngưng cortcoid đột ngột, nhiễm trùng, … bệnh nhân vảy nến mảng có thể xuất hiện nhiều sang thương hơn và diễn tiến đến đỏ da toàn thân với hồng ban chiếm gần hết diện tích da cơ thể. Các đặc điểm điển hình của sang thương vảy nến mảng có thể không còn hiện diện. Bệnh nhân có thể ngứa nhiều, ớn lạnh do rối loạn điều hòa thân nhiệt và xuất hiện các biến chứng như suy thận cấp, suy tim cung lượng cao, rối loạn nước, điện giải… nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra còn một số thể vảy nến ít gặp khác có sang thương không điển hình như rupiod, elephantine, ostraceous, với sự tăng sừng quá mức ở bề mặt sang thương, tạo hình ảnh giống vỏ sò hay chân voi…

Theo vị trí phân bố của sang thương, vảy nến thông thường có thể chia thành:

Vảy nến da đầu:

Đây là vị trí thường gặp và xuất hiện sớm trong vảy nến thông thường. Bệnh có thể chỉ khu trú ở da đầu, hoặc diễn tiến xuất hiện sang thương ở các vị trí khác của cơ thể. Sang thương cũng là các sẩn, mảng hồng ban, bề mặt có vảy dày và dính, phân bố ở vùng rìa chân tóc hoặc khắp da đầu. Tóc vẫn phát triển bình thường, tuy nhiên có thể gây rụng tóc trong một số trường hợp.

Vảy nến vùng nếp (vảy nến đảo ngược):

Sang thương là các mảng hồng ban giới hạn rõ, thường ít vảy hoặc không có vảy, phân bố chủ yếu ở vùng nếp cơ thể như nách, bẹn, nếp dưới vú, khe hậu môn, rốn… Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và béo phì, cơ chế có thể do hiện tượng Kobner ở các vị trí này.

Vảy nến lòng bàn tay bàn chân:

Sang thương là mảng hồng ban tróc vảy trắng, giới hạn không rõ ở lòng bàn tay, bàn chân, thường khó chẩn đoán phân biệt với chàm bàn tay.

Vảy nến móng:

Tổn thương móng có thể đơn độc, hoặc đi kèm với các dưới thể lâm sàng của vảy nến thông thường. Vảy nến có thể gây tổn thương ở các phần khác nhau của móng, gồm chất nền, giường móng và phần dưới móng. Tổn thương chất nền sẽ dẫn đến rổ móng, các rãnh ngang và dọc trên đĩa móng. Tổn thương giường móng sẽ dẫn đến tăng sừng dưới móng, ly móng, tổn thương dạng giọt dầu, hay xuất huyết dạng tia.

Vảy nến mủ:

Là một thể lâm sàng ít gặp hơn của bệnh vảy nến, bao gồm các dưới thể lâm sàng, có đặc điểm chung là tình trạng phát ban mụn mủ nông, vô trùng, có thể toàn thân hoặc khu trú. Vảy nến mủ có thể phân chia thành:

  • Vảy nến mủ toàn thân: là tình trạng phát ban mụn mủ nông trên nền hồng ban, các mụn có kích thước khoảng 1-3mm, dạng đầu đinh ghim, sắp xếp rời rạc, hoặc dạng vòng, hoặc thành từng đám, có thể gom lại thành hồ mủ, sau khi khô sẽ tróc vảy. Sang thương phân bố ở hầu như khắp cơ thể. Bệnh diễn tiến thành những đợt cấp tính, trong mỗi đợt bệnh có có nổi nhiều đợt mụn mủ có tính chất tương tự. Trong đợt cấp, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, ăn uống kém, đau khớp. Vảy nến mủ có thể là một thể bệnh đơn thuần hoặc xảy ra trên một bệnh nhân vảy nến thông thường trước đó, những bệnh nhân này thường xuất hiện vảy nến mủ sau một đợt ngưng đột ngột corticoid kéo dài, hoặc các yếu tố khởi phát như nhiễm trùng, thuốc thoa…
  • Vảy nến mủ lòng bàn tay, bàn chân: sang thương là các mụn mủ nông, vô trùng, đường kính khoảng 2-5mm, trên nền một mảng hồng ban giới hạn rõ, thường ở vùng gò mô ở lòng bàn tay hoặc vùng gót, vùng bên lòng bàn chân. Bệnh có xu hướng diễn tiến mạn tính, ảnh hưởng đến chức năng bàn tay và chất lượng cuộc sống bệnh nhân.

  • Vảy nến mủ đầu chi (Viêm đầu chi liên tục của Hallopeau): sang thương thường xuất hiện ở ngón tay hơn ngón chân. Da ở vùng đầu xa ngón tay xuất hiện hồng ban tróc vảy, sau đó hình thành các mụn mủ. Nếp móng và giường móng cũng bị tổn thương, dẫn đến tình trạng loạn dưỡng móng. Bệnh nhân thường đau nhiều. Bệnh tiến triển từ từ theo hướng về phía đầu gần trong nhiều năm, diễn tiến đến loạn dưỡng móng hoàn toàn, viêm phá hủy khớp liên đốt xa và toàn bộ đốt xa của ngón tay. Các thể vảy nến mủ khu trú có thể đơn độc, hoặc biểu hiện cùng lúc với vảy nến mủ toàn thân.

5. Triệu chứng khớp trên bệnh vảy nến?

Viêm khớp vảy nến là một thể lâm sàng của bệnh vảy nến, là một tình trạng viêm xương khớp có thể có hoặc không kèm sang thương vảy nến thông thường. Trong thể viêm khớp vảy nến có kèm vảy nến thông thường, một số ít bệnh nhân (10 – 15%), triệu chứng viêm khớp vảy nến xuất hiện trước tổn thương da. Các tổn thương mắt và đường tiêu hóa cũng được ghi nhận. Viêm khớp vảy nến có thể chia thành 5 dưới thể lâm sàng

  • Viêm ít khớp không đối xứng
  • Viêm đa khớp đối xứng (giống viêm đa khớp dạng thấp)
  • Viêm cột sống dính khớp
  • Viêm khớp liên đốt xa
  • Viêm khớp phá hủy nặng

 Hiện nay, vẫn chưa có một xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu nào để chẩn đoán viêm khớp vảy nến, nhưng hình ảnh có giá trị trên X quang là khớp bị ăn mòn, dấu hiệu này xảy ra vài năm sau khi có hiện tượng viêm quanh khớp. Viêm khớp vảy nến gặp nhiều hơn ở những bệnh nhân vảy nến thông thường tương đối nặng. Những yếu tố nguy cơ làm cho viêm khớp có diễn tiến nặng là: xuất hiện sớm, nữ giới, tổn thương đa khớp, có tính chất di truyền, tổn thương sớm trên X quang.

6. Cách chữa trị:

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bệnh vảy nến như thuốc thoa tại chỗ, các thuốc ức chế miễn dịch, liệu pháp ánh sáng và thuốc sinh học. Hiện nay thuốc sinh học được xem là phương pháp tối ưu nhất giúp người bệnh gần như lui bệnh hoàn toàn mà không gây ra các tác dụng phụ do thuốc.

7. Phòng ngừa bệnh vảy nến:

Để hạn chế diễn tiến bệnh vảy nến, phong cách sống và thói quen sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng. Những hành động sau có thể được áp dụng:

  • Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc theo ý mình.
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách hợp lý.
  • Giữ gìn vệ sinh da và thân thể.
  • Khám da liễu định kỳ.
  • Chăm sóc da cẩn thận, tránh để da bị khô và tổn thương.
  • Nên đi khám nếu có dấu hiệu của nhiễm khuẩn da, thấy mụn mủ trên da, đặc biệt có kèm sốt, đau nhức cơ hoặc sưng tấy.
  • Giữ trạng thái tinh thần ổn định, không để bị trầm cảm hay lo lắng quá mức.
  • Không sử dụng thuốc lá, rượu bia
  • Nên tránh các thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ.
  • Bổ sung thực đơn với thức ăn có chứa acid folic và omega-3.

 

Chia sẻ