Bệnh Thủy Đậu

Nội Dung

I. Đại cương

Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền: khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi hoặc ho… thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi và người khác hít phải bụi sẽ lây bệnh ngay. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này.

II. Dấu hiệu nhận biết bệnh

Từ lúc nhiễm phải siêu vi đến lúc phát ra bệnh thông thường là 10 -14 ngày (có thể lâu hơn là 21 ngày). Khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 – 24 giờ có thể nổi toàn thân.

Mụn nước có kích thước từ l – 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ chỉ vài mụn cho đến hơn 500 mụn trái rạ trên thân thể.

Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh và làm cho người bệnh dễ nhầm lẫn với một vài bệnh khác.

III. Những xét nghiệm thường được bác sĩ chỉ định

Thông thường bệnh thủy đậu không cần làm xét nghiệm.

IV. Điều trị

Bệnh thủy đậu được điều trị chủ yếu là thuốc kháng virus, phòng ngừa nhiễm trùng và các thuốc nâng đỡ tổng trạng giúp cho bệnh sớm hồi phục và ít bị biến chứng nhất.

Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời để giảm tối đa nguy cơ bị sẹo xấu.

Bệnh nhân bị thủy đậu nên được vệ sinh và bôi thuốc đúng cách để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng và hạn chế sẹo.

V. Cách phòng tránh bệnh

Bệnh rất dễ lây lan qua sự đụng chạm đến ban ngứa từ người bị thuỷ đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm (ví dụ, khi một người bị nhiễm trái rạ hắt hơi nhảy mũi hoặc ho).

Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh.

Bệnh thuỷ đậu có thể bị lây từ 1-2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy (thông thường trong vòng 5 ngày từ khi những vết phồng nổi lên).

Những người nào có hệ miễn dịch bị suy yếu mà bị thủy đậu thì có thể phải mất một thời gian lâu hơn để những mụn thuỷ đậu của họ đóng vảy.

Khoảng 90% những nguời chưa từng bị thuỷ đậu trong gia đình thì sẽ bị thủy đậu nếu tiếp xúc với nguời thân bị nhiễm bệnh.

Vaccine chống thuỷ đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:

+ Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.

+ Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.

+ Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền. Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.

Thời gian ủ bệnh của thuỷ đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thuỷ đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu, trong vòng 3 ngày ta có thể tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu.

Liên hệ tư vấn và đặt lịch hẹn khám chữa bệnh:

Medcare Skin Centre

95/36 Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39 700 555
Email: info@medcare.com.vn

Chia sẻ