Các bệnh ngoài da thường gặp trong mùa mưa

Nội Dung

Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để các loại bệnh da liễu bùng phát, trong đó có 6 bệnh dưới đây có tỷ lệ người mắc cao nhất theo thống kê tại các bệnh viện da liễu. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh các bệnh này.

I. Nguyên nhân gây bệnh da liễu trong mùa mưa

Tiếp xúc với nước bẩn

Vào mùa mưa lũ, lượng nước bị ứng đọng gây ngập lụt kèm các chất thải làm nguồn nước bị nhiễm bẩn từ đó tạo điều kiện cho vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da.

Vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển mạnh

Một số loại vi khuẩn thường trú trên da khi gặp điều kiện thuận lợi như độ ẩm cao, ướt cũng gây nên bệnh ngoài da. Với những cơn mưa rải rác làm bốc hơi các yếu tố gây hại và tồn tại lơ lửng trong không khí khiến da con người dễ bị tổn thương dẫn đến viêm nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

II. Các loại bệnh da liễu thường gặp vào mùa mưa

1. Ghẻ

Ghẻ là một loại bệnh ngoài da phổ biến trong mùa mưa do thiếu nước sạch sinh hoạt và thiếu vệ sinh.

Triệu chứng của bệnh lý này bao gồm nổi mụn nước ở các kẽ ngón tay, cổ tay,… và ngứa nhiều về ban đêm. Chúng có thể lây lan do có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ và người lành do nằm chung giường hay mặc chung quần áo…

2. Viêm nang lông

Viêm nang lông (tên khoa học là folliculitis). Đây là tình trạng viêm nông một hoặc nhiều nang lông. Mùa mưa khiến da ẩm ướt là một trong số những yếu tố thuận lợi gây bệnh.

Tổn thương là những sẩn nhỏ ở nang lông, trên có đóng vảy tiết, không đau, sau vài ngày tiến triển, tổn thương có thể khỏi.

3. Bệnh mề đay

Khí hậu là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh mề đay, vào mùa mưa, khí hậu lạnh kèm nước mưa thấm vào người rất dễ làm nổi mề đay.

Biểu hiện của bệnh nổi mề đay là trên da xuất hiện những mảng cứng có màu hơi hồng, giữa mảng có mụn nước nhỏ, kích thước thay đổi từ 1-2cm. Mề đay có thể nổi ở bất cứ vị trí nào, nhưng vùng da hở như tay, chân, mặt khiến bệnh nhân ngứa nhiều.

4. Viêm kẽ ngón chân do nấm

Bệnh thường xảy ra ở ngón thứ 4, 5. Bệnh phát triển nhiều hơn vào mùa mưa đặc biệt là những người để chân ướt, hoặc ngâm chân ở vùng nước bẩn. Lúc này các loại nấm như nấm men Candida gặp điều kiện thuận lợi ẩm ướt sẽ phát triển và gây bệnh.

Biểu hiện của bệnh là da trở nên đỏ hồng, rướm máu, quanh rìa da bị mủn (da chết) có màu trắng.

5. Zona (bệnh giời leo)

Khi thời tiết chuyển từ nắng sang mưa đột ngột khiến một số người có hệ miễn dịch kém dễ sinh các bệnh do siêu vi trong đó có bệnh Zona. Người bị mắc bệnh Zona là những người bị bệnh thủy đậu từ bé. Siêu vi trùng gây bệnh thủy đậu vẫn tiềm ẩn đợi lúc cơ thể suy yếu lập tức gây thành bệnh zona.

Triệu chứng ban đầu của bệnh Zona là đau nhức, mệt mỏi, sau đó nổi mụn nước. Mụn nước có rốn lõm ở giữa, xếp thành từng đám theo từng vùng da chi phối bởi dây thần kinh bị tổn thương.

6. Herpès (mụn rộp)

Biểu hiện của bệnh là những mụn nước nhỏ li ti, sắp xếp từng đám mép, bụng, mông…Bệnh thường tái đi tái lại khi thay đổi khí hậu, môi trường vì thế thường khởi phát vào mùa mưa. Bệnh lây từ môi trường, trong không khí, đặc biệt ở dịch tiết từ mụn nước có chứa siêu vi.

III. Cách ngăn chặn bệnh da liễu vào mùa mưa

• Dọn dẹp vệ sinh môi trường sống.
• Tìm nguồn nước sạch để sử dụng.
• Hạn chế tối đa lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn.
• Cần trang bị đầy đủ ủng, giày, găng tay khi bắt buộc phải tiếp xúc với nước bẩn.
• Vệ sinh bằng cách tắm rửa bằng nước sạch sau khi tiếp xúc với nước bẩn và lau khô, đặc biệt là các ngón chân, ngón tay.
• Không mặc quần áo ẩm ướt.
• Nên có sẵn những dung dịch sát khuẩn như dung dịch cồn iod, nước ôxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B…để rửa vết thương.
• Không dùng chung quần áo, khăn mặt, chậu giặt với người chưa mắc bệnh nhằm tránh lây lan cho những người xung quanh.
• Tránh gãi, hạn chế làm vết thương lan rộng.

Hầu hết các loại bệnh da liễu đều xuất hiện nhiều hơn vào mùa mưa, đáng lưu ý hơn là những bệnh có sẵn sễ tái phát có xu hướng xuất hiện nhiều hơn cả. Người bệnh cần giữ gìn sức khỏe, tăng cường thể lực đồng thời vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ da khô ráo để phòng tránh bệnh.

Liên hệ tư vấn và đặt lịch hẹn khám chữa bệnh:

Medcare Skin Centre

95/36 Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39 700 555
Email: info@medcare.com.vn

Chia sẻ