Bệnh Ghẻ

Nội Dung

I. Đại cương

Bệnh ghẻ là một bệnh da khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh ghẻ tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng nếu không được điều trị chu đáo, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.

Bệnh do một loại ký sinh trùng trên da có tên Sarcoptes scabiei gây nên. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu dính trứng ghẻ hoặc cái ghẻ.

II. Lâm sàng, triệu chứng

Các thương tổn cơ bản trong bệnh ghẻ thường là:

– Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.

– Sẩn cục hay sẩn huyết thanh: hay gặp ở nách, bẹn, bìu.

– Đường hầm ghẻ hay còn gọi là luống ghẻ, rất đặc hiệu, nhưng không phải lúc nào cũng dễ tìm thấy. Luống ghẻ do ghẻ cái tạo thành dài, 3-5mm, bên trên mặt da là một mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch chay ra, để lộ màu xám hoặc đen, dùng kim khêu sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim. Đường hầm thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu.

– Trên da có thể có những vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể có bội nhiễm, chàm hóa, mụn mủ.

– Triệu chứng cơ năng: người bệnh ngứa, khó chịu, nhất là về đêm vì cái ghẻ đào hầm vào ban đêm.

Trong ghẻ vảy, các mảng dày sừng lan tỏa ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, kèm theo là sự dày lên và loạn dưỡng của các móng, khô các vùng da còn lại. Triệu chứng ngứa rất đa dạng và thậm chí là không ngứa. Có tới hàng triệu cái ghẻ ký sinh trên da và đây là nguồn lây bệnh lớn.

III. Điều trị

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh ghẻ với các mức độ hiệu quả khác nhau. Các yếu tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn điều trị là độ tuổi, giá cả, mức độ nặng của bệnh và tính hiệu quả của các phương pháp điều trị trước đó.

1. Nguyên tắc điều trị

– Điều trị cho cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ… nếu phát hiện bị bệnh ghẻ.

– Bôi thuốc phải đúng cách.

– Giặt sạch, phôi khô quần áo, chăn chiếu, các đồ dùng khác.

2. Các thuốc điều trị

Ở người lớn, các thuốc diệt ghẻ tại chỗ nên sử dụng khắp bề mặt da, trừ vùng mặt và da đầu, và đặc biệt chú ý tới các vùng nếp kẽ, vùng sinh dục, quanh móng, sau tai. Ở trẻ em và những bệnh nhân ghẻ vảy, cần điều trị cả vùng mặt và da đầu. Bệnh nhân cần được tư vấn rằng, thậm chí khi đã điều trị đầy đủ, các dát và ngứa có thể kéo dài sau đó 4 tuần. Ngoài ra có thể sử dụng corticoid tại chỗ, kháng histamin và, nếu cần thiết là corticoid hệ thống để giảm ngứa và dát đỏ khi bệnh nhân đã sử dụng thuốc diệt ghẻ.

3. Phòng bệnh

– Vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ.

– Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.

Liên hệ tư vấn và đặt lịch hẹn khám chữa bệnh:

Medcare Skin Centre

95/36 Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39 700 555
Email: info@medcare.com.vn

Chia sẻ