Nội dung bài viết
Toggle1. Da mất sắc tố là gì? các nguyên nhân dẫn đến tình trạng da mất sắc tố?
Màu da bình thường được quyết định bởi các yếu tố: hemoglobin khử (xanh), oxyhemoglobin (đỏ), carotenoids (vàng; ngoại sinh tự chế độ ăn), và melanin (nâu). Trong đó, yếu tố chính quyết định màu da là sắc tố melanin. Sự thay đổi về lượng cũng như sự phân bố của melanin trong da là nền tảng của 3 màu da chính: đen, nâu và trắng.
Hypomelanosis là thuật ngữ cho sự giảm sắc tố melanin trong da, có thể chỉ do sự giảm sản xuất melanin (như trong bệnh bạch tạng), hoặc do giảm số lượng tế bào sắc tố trong thượng bì dẫn đến giảm sản xuất melanin (như trong bệnh bạch biến).
Hypomelanosis có thể liên quan đến di truyền (như bệnh bạch tạng), tự miễn (như trong bệnh bạch biến), hoặc các quá trình viêm khác (như mất sắc tố sau viêm trong bệnh vảy nến).
Ngoài ra, da mất sắc tố do rất nhiều nguyên nhân khác ngoài các nguyên nhân kể trên. Việc sử dụng laser trong điều trị thẩm mỹ nhưng sai kỹ thuật cũng là nguyên nhân thường gặp của mất sắc tố da.
2. Mất sắc tố do lạm dụng laser ?
Việc sử dụng laser trong thẩm mỹ hiện nay đang là xu thế do hiệu quả tuyệt vời của nó. Tuy nhiên, nếu người thực hiện cho bạn không am hiểu về laser thì rất dễ gây ra biến chứng.
Da mất sắc tố là một trong những biến chứng thường gặp của điều trị bằng laser. Tình trạng này biểu hiện bằng những đốm trắng trên bề mặt da, có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn, nguyên nhân là do các tế bào sắc tố bị tổn thương hoặc chết đi.
Các nguyên nhân thường gặp của mất sắc tố do lạm dụng laser:
- Chọn sai loại laser
- Mức năng lượng quá cao
- Chồng xung nhiều, dày đặc ở cùng một vùng da
- Không biết cách chăm sóc da sau laser
3. Mất sắc tố vô căn?
Dát giảm sắc tố dạng chấm tự phát (hay vô căn) (IGH) là bệnh da lành tính đặc trưng bơi sự xuất hiện của nhiều dát giảm sắc tố hình tròn hoặc bầu dục, với kích thước thay đổi từ vài millimet đến 2 centimet.
Các vùng thường bị ảnh hưởng nhất là chi trên và chi dưới, nhưng cũng thường gặp ở thân và mặt. Số tổn thương thường ngày càng tăng theo thời gian nhưng từng tổn thương thì không gia tăng về kích thước, không có triệu chứng gì khác ngoại trừ có thể gây ngứa nhẹ ở một số người.
IGH có thể liên quan đến một số nguyên nhân sau:
- Tiếp xúc lâu dài với tia UV
- Do lão hóa theo tuổi
- Chấn thương
- Tiền căn gia đình có người cùng mắc bệnh
- Các bệnh tự miễn
Trong phần lớn các trường hợp, chẩn đoán IGH chỉ cần thăm khám lâm sàng là đủ và không cần sinh thiết da.
Có nhiều phương pháp điều trị IGH với hiệu quả khác nhau: các thuốc thoa ức chế calcineurin, laser CO2 fractional, phenol, áp lạnh, ghép da…
Nếu bạn đang gặp các vấn đề về sắc tố da hay nghi ngờ mình bị bạch biến, hãy đến phòng khám Medcare để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị nhé!