Các bệnh ngoài da thường gặp trong mùa mưa

 

Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để các loại bệnh da liễu bùng phát, trong đó có những bệnh dưới đây có tỷ lệ người mắc cao nhất theo thống kê tại các bệnh viện da liễu. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh các bệnh này.

Nguyên nhân gây bệnh da liễu trong mùa mưa

• Tiếp xúc với nước bẩn

Vào mùa mưa lũ, lượng nước bị ứng đọng gây ngập lụt kèm các chất thải làm nguồn nước bị nhiễm bẩn từ đó tạo điều kiện cho vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da.

• Vi khuẩn, ký sinh trùng phát triển mạnh

Một số loại vi khuẩn thường trú trên da khi gặp điều kiện thuận lợi như độ ẩm cao, ướt cũng gây nên bệnh ngoài da. Với những cơn mưa rải rác làm bốc hơi các yếu tố gây hại và tồn tại lơ lửng trong không khí khiến da con người dễ bị tổn thương dẫn đến viêm nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Các loại bệnh da liễu thường gặp vào mùa mưa

1. Bệnh Ghẻ

Ghẻ là một loại bệnh ngoài da phổ biến trong mùa mưa do thiếu nước sạch sinh hoạt và thiếu vệ sinh. Bệnh do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (cái ghẻ) gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em và phụ nữ.

Triệu chứng điển hình là ngứa với đặc điểm ngứa toàn thân trừ vùng mặt (trừ trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch) và nhiều người trong gia đình cùng mắc bệnh. Sang thương da là các mụn nước rải rác ở vùng da non, hay sẩn cục/ sẩn mụn nước ở các kẽ ngón tay, cổ tay, đường chỉ tay, nách, dương vật bìu… và ngứa nhiều về ban đêm.

Chúng có thể lây lan từ người này qua người khác do có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ và người lành (như bắt tay, ôm, hôn…), hay qua vật dụng dùng chung như quần áo, chăn mền… Bệnh đặc biệt lây lan nhanh ở nơi chật chội, đông người.

Bệnh ghẻ

2. Viêm nang lông

Viêm nang lông (tên khoa học là folliculitis). Đây là tình trạng viêm nông một hoặc nhiều nang lông. Mùa mưa khiến da ẩm ướt là một trong số những yếu tố thuận lợi gây bệnh.

Tổn thương là những sẩn mụn mủ ở nang lông, kích thước nhỏ (1 – 4 mm đường kinh), dễ vỡ, hình vòm, hay sẩn đóng mài trên nền da hồng ban, thường kết thành cụm, lành không để lại sẹo. Bệnh nhân có thể ngứa hay đau ở vùng sang thương, Viêm nang lông thường gặp ở vùng đầu, cổ (đặc biệt là vùng da đầu ở trẻ em, vùng có râu), thân trên, mông và chân, nách, háng.

Viêm nang lông

3. Bệnh mề đay

Khí hậu là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh mề đay, vào mùa mưa, khí hậu lạnh kèm nước mưa thấm vào người rất dễ làm nổi mề đay.

Có 3 dạng nổi mề đay

Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của mề đay là sẩn phù, mảng phù, phù mạch. Sẩn phù là sẩn mảng hồng ban màu đỏ nhạt, bề mặt da trơn láng, mật độ mềm, có kích thước nhỏ hoặc lớn, đơn độc hay rải rác. Sẩn phù, mảng phù thường đi kèm với cảm giác ngứa hoặc đôi khi có cảm giác nóng bỏng. Bệnh thường diễn tiến lặn tự nhiên, trở về da bình thường trong vòng 24 giờ.

Phù mạch là hiện tượng phù của lớp bì, mô dưới da hoặc niêm mạc, vùng da phù căng, màu hồng ban hoặc màu da, có thể trắng nhạt. Phù mạch đôi khi cảm giác đau nhiều hơn ngứa, biến mất chậm hơn sẩn phù có thể lên tới 72 giờ.

4. Viêm kẽ ngón do nấm

Bệnh thường phát triển nhiều hơn vào mùa hè, mưa dầm đặc biệt là những người để chân ướt, hoặc ngâm chân ở vùng nước bẩn. Nguyên nhân có thể do nấm sợ tơ hoặc nấm Candida. Bệnh có thể lây từ người sang người.

Biểu hiện lâm sàng gặp khi nhiễm nấm sợi tơ sẽ bắt đầu từ kẽ ngón chân thứ 3, 4, luôn có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, có hiện tượng bong xước da màu hơi vàng, có thể có mụn nước ở kẽ từ đó lan sang các kẽ ngón chân khác hay lan lên mu bàn chân, lòng bàn chân.

Biểu hiện khi nhiễm nấm Candida là một vùng da trợt đỏ, rướm máu, hơi ướt ở giữa ngón thứ 3 và 4 bàn tay, có thể thành vết nứt có viền da bóng ở ngoại vi, ngứa và rát. Lớp sừng bị mủn, màu ngà. Có thể gặp ở bàn chân kẽ ngón 4 – 5, bợt trắng.

Viêm kẽ ngón

5. Zona (bệnh giời leo)

Khi thời tiết chuyển từ nắng sang mưa đột ngột khiến một số người có hệ miễn dịch kém dễ sinh các bệnh do siêu vi trong đó có bệnh Zona. Người bị mắc bệnh Zona là những người bị bệnh thủy đậu từ bé. Siêu vi trùng gây bệnh thủy đậu vẫn tiềm ẩn đợi lúc cơ thể suy yếu lập tức gây thành bệnh zona.

Zona

Triệu chứng ban đầu của bệnh Zona là đau nhức, mệt mỏi, sau đó nổi mụn nước. Mụn nước có rốn lõm ở giữa, xếp thành từng đám theo từng vùng da chi phối bởi dây thần kinh bị tổn thương.

6. Herpes (mụn rộp)

Biểu hiện của bệnh là những mụn nước nhỏ li ti, sắp xếp từng đám mép, bụng, mông…Bệnh thường tái đi tái lại khi thay đổi khí hậu, môi trường vì thế thường khởi phát vào mùa mưa. Bệnh lây từ môi trường, trong không khí, đặc biệt ở dịch tiết từ mụn nước có chứa siêu vi.

Mụn rộp

7. Bệnh hắc lào

Nhiễm nấm da thưởng gặp khi có các yếu tố thuận lợi cho sự gây bệnh, trong đó tăng độ ẩm ướt bề mặt gặp vào mùa mưa cũng là một yếu tố thúc đẩy vi nấm sinh sôi.

Nhiễm nấm hắc lào thường ở vùng da không có lông tóc rậm. Sang thương là những mảng hồng ban, hình tròn, bầu dục hay đa cung, ranh giới rõ, có bờ viền, trên bờ viền có những mụn nước nhỏ, xu hướng lành ở giữa, dần dần lan rộng, ngứa nhiều

Hắc lào

8. Bệnh lang ben

Lang ben là bệnh nấm da thường gặp, do vi nấm Pityrosporum Orbiculare (Malassezia furfur) gây ra, thường ở vị trí trên thân người (mặt, cổ, ngực, lưng), có khi ở đùi, cẳng chân. Lâm sàng là những dát màu trắng nhạt, loang lỗ (đôi khi có màu vàng nhạt, hồng, nâu, đen,… nhưng hầu hết là trắng), có khi như bột phấn, thường kết thành đám ngoằn nghoèo.

Khi ra nắng hay đổ mồ hôi sẽ có cảm giác ngứa râm ran như kim châm, bệnh dai dẳng, dễ tái phát.

Lang ben

9. Nấm móng

Nấm móng là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt khi thời tiết ẩm ướt kéo dài. Mưa nhiều khiến môi trường trở nên ẩm thấp, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển và xâm nhập vào móng tay, móng chân.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm móng đổi màu vàng, trắng đục, hoặc nâu, dày lên, giòn, dễ gãy và có thể kèm theo ngứa nhẹ quanh vùng móng. Mang giày ẩm ướt, tiếp xúc với nước nhiều làm tăng nguy cơ nhiễm nấm móng.

nấm móng

10. Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc có thể gặp khi chúng ta tiếp xúc với nước mưa, nước bẩn, hoá chất. Khởi đầu tại vị trí da tiếp xúc lại với dị nguyên (thường trên 48 giờ) sẽ xuất hiện tổn thương da. Biểu hiện lâm sàng là mảng hồng ban giới hạn rõ, kèm ngứa nhiều, bề mặt có mụn nước, bóng nước, rỉ dịch, có thể phù nề ở vùng da tiếp xúc với chất gây dị ứng. Trong giai đoạn mạn tính có biểu hiện lichen, mảng da dày tróc vảy.

viêm da tiếp xúc

Cách ngăn chặn bệnh da liễu vào mùa mưa

• Dọn dẹp vệ sinh môi trường sống.

  • Tìm nguồn nước sạch để sử dụng.
  • Hạn chế tối đa lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn.
  • Cần trang bị đầy đủ ủng, giày, găng tay khi bắt buộc phải tiếp xúc với nước bẩn.
  • Vệ sinh bằng cách tắm rửa bằng nước sạch sau khi tiếp xúc với nước bẩn và lau khô, đặc biệt là các ngón chân, ngón tay.
  • Không mặc quần áo ẩm ướt.
  • Nên có sẵn những dung dịch sát khuẩn như dung dịch cồn iod, nước ôxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B…để rửa vết thương.
  • Không dùng chung quần áo, khăn mặt, chậu giặt với người chưa mắc bệnh nhằm tránh lây lan cho những người xung quanh.
  • Tránh gãi, hạn chế làm vết thương lan rộng.

Kết luận

Hầu hết các loại bệnh da liễu đều xuất hiện nhiều hơn vào mùa mưa, đáng lưu ý hơn là những bệnh có sẵn sễ tái phát có xu hướng xuất hiện nhiều hơn cả. Người bệnh cần giữ gìn sức khỏe, tăng cường thể lực đồng thời vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ da khô ráo để phòng tránh bệnh.

Nếu bạn đang có vấn đề về da liễu đừng ngần ngại liên hệ ngay Phòng Khám Chuyên Khoa Da Liễu Medcare qua Hotline: 0931 888 115 hoặc bấm tại đây để được tư vấn cụ thể hơn nhé.

Chia sẻ
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận