Quan hệ tình dục là hoạt động sinh lý gắn liền với đời sống thường ngày của con người. Tại Thế vận hội Tokyo 2020 vừa qua, ban tổ chức đã cung cấp 150000 bao cao su cho các vận động viên tham gia. Chiến dịch này đã được Ủy ban Olympic quốc tế thực hiện từ Thế vận hội Seoul 1988 nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
Thật vậy, theo báo cáo của WHO mỗi năm có khoảng 360 – 400 triệu người mắc các bệnh lây qua đường tình dục (bao gồm cả nhiễm HIV), riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì con số này là 36 triệu người. Riêng năm 2018, 20% dân số Hoa Kỳ được chẩn đoán mắc bệnh lây qua đường tình dục, với một nửa số ca mới mắc nằm ở độ tuổi 15 – 24.
Ở Việt Nam, theo báo cáo từ các đơn vị Da liễu của các tỉnh, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc các bệnh lây qua đường tình dục. Tuy nhiên con số này thấp hơn nhiều so với thực tế, nguyên nhân cơ bản là đa số các phòng khám tư nhân hoặc các cơ sở y tế khác mặc dù cò khám và điều trị song không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ.
Nội dung bài viết
ToggleGiới thiệu các bệnh lây qua đường tình dục
Bệnh lây qua đường tình dục viết tắt là STD (Sexually Transmitted Diseases) là những bệnh truyền nhiễm phổ biến có thể lây qua bất kỳ hình thức quan hệ tình dục nào kể cả quan hệ qua đường miệng hay qua hậu môn. Những bệnh STD có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, trong đó độ tuổi sinh sản là nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.
Những trường hợp quan hệ tình dục không an toàn như không sử dụng bao cao su hay sử dụng bao cao su không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Việc có nhiều bạn tình, đặc biệt những người đang có bệnh lý lây qua đường tình dục hoặc nhiễm trùng lây qua đường sinh dục trước đó cũng làm khả năng nhiễm bệnh tăng đáng kể.
Các tác nhân gây bệnh STD chủ yếu gồm các nhóm:
- – Vi trùng: Giang mai, Lậu, Chlamydia trachomatis,..
- – Siêu vi (virus): HIV, HSV (gây bệnh Herpes sinh dục), HPV (gây bệnh mồng gà), HBV (gây bệnh viêm gan B),…
- – Ký sinh trùng: Trichomonas vaginalis,…
Theo khảo sát của CDC Hoa Kỳ, 8 bệnh lý STD thường gặp được thống kê như sau:

Triệu chứng lâm sàng
Khi mắc các bệnh lây qua đường tình dục, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng thường gặp như:
- Vết loét, sưng ở bộ phận sinh dục, vùng miệng hoặc hậu môn
- Đau rát khi tiểu tiện, khi quan hệ tình dục
- Dương vật tiết dịch, âm đạo ngứa, chảy máu, tiết dịch có mùi hôi hoặc có màu bất thường
- Hạch bạch huyết vùng bẹn và những vùng xung quanh nơi đau, sưng
- Vàng da hoặc phát ban ở bàn tay, bàn chân hoặc toàn cơ thể


Mặc dù vậy, một số trường hợp không xuất hiện triệu chứng, người bệnh phát hiện bệnh khi các biến chứng xuất hiện hoặc khi bạn tình được chẩn đoán mắc bệnh lý lây truyền qua đường tình dục.
Điều trị
Bệnh nhân nếu nghi ngờ hoặc được chẩn đoán mắc các bệnh STD thì cần phải được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị. Các bệnh lý như lậu, giang mai, nhiễm Trichomonas, Chlamydia,… đã có thuốc giúp điều trị tiệt căn và ngăn ngừa lây lan. Tuy nhiên, một số tổn thương da và cơ quan sinh dục cần được can thiệp ngoại khoa (ví dụ: tiểu phẫu).
Ngoài bản thân người bệnh, việc tầm soát và điều trị cho bạn tình cũng là một yếu tố quan trọng giúp đẩy lùi bệnh. Cùng với đó, phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt vì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho thai kỳ như sinh non, sảy thai, dị tật thai nhi, nhiễm trùng sơ sinh. Vì vậy, cần có một chiến lược chăm sóc và theo dõi cẩn thận cho nhóm đối tượng này.
Phòng ngừa
Cần phải hiểu rõ về bạn tình của mình. Hạn chế tối đa số lượng bạn tình để giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh. Cần đảm bảo bạn tình không mắc các bệnh lý lây qua đường tình dục hay đang nhiễm trùng đường sinh dục.
Sử dụng bao cao su và những biện pháp bảo vệ khác đúng cách và an toàn.
Tiêm phòng vaccine trước khi quan hệ tình dục giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm như vaccine HPV, vaccine viêm gan B (HBV), vaccine viêm gan A (HAV)…
Các bệnh lý như lậu, giang mai, HIV, Chlamydia…có thể truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hoặc quá trình chuyển dạ. Do đó phụ nữ mang thai khi phát hiện bệnh cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn hướng điều trị phù hợp và các phương pháp giúp tránh những biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi.
Nguồn tham khảo:
(1) Nhật cấp bao cao su cho VĐV Thế vận hội nhưng khuyên đừng dùng. Báo Thanh Niên, ngày 15/06/2021.
(2) Tổng quan về các nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Bệnh viện Da liễu Trung ương.
(3) Sexually Transmitted Infections Prevalence, Incidence, and Cost Estimates in the United States. CDC 2021.
(4) Guidelines for the management of symptomatic sexually transmitted infections. Geneva: World Health Organization; 2021 Jun.