Tìm hiểu về bớt Ota và cách điều trị

Nội Dung

Bớt Ota (Nevus of Ota) là một trong những loại bớt bẩm sinh thường gặp nhất. Bớt thường chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, nhưng ở một số trường hợp, nó còn xuất hiện đồng thời với những vấn đề sức khoẻ khác nghiêm trọng hơn như tăng nhãn áp, melanoma. Để hiểu rõ hơn rõ hơn và các phương pháp điều trị, hãy cùng Medcare khám phá qua bài viết sau nhé.

Bớt Ota là gì? 

Bớt Ota (Nevus of Ota) là một loại bớt do tăng sinh các tế bào hắc tố ở lớp trung bì của da. Các tế bào này có vai trò sản xuất ra melanin, góp phần tạo nên màu sắc bình thường của da. Ở những người có bớt Ota, sự tăng sinh bất thường của các tế bào hắc tố làm cho da ở vùng này có màu sắc đậm hơn những vùng da xung quanh, và thường có vị trí ở vùng da quanh mắt.

Khoảng 50% các trường hợp xuất hiện bớt Ota từ khi sinh ra, trong khi những trường hợp còn lại thường xuất hiện ở độ tuổi dậy thì.

 

Dịch tễ:

Bớt Ota xuất hiện chủ yếu ở những chủng tộc có nền ta tương đối sậm màu hơn, đặc biệt là ở những người Châu Á và da đen, nhưng nhiều trường hợp bớt Ota xuất hiện ở những người da trắng đã được báo cáo. 

Khoảng 80% các trường hợp bớt Ota xảy ra ở nữ giới. Tuy nhiên, sự chênh lệch về giới tính này có thể còn chịu ảnh hưởng của mối quan tâm lớn hơn về mặt thẩm mỹ ở phụ nữ so với đàn ông.

 

Biểu hiện lâm sàng: 

1. Đặc điểm:

Bớt Ota có biểu hiện đặc trưng bởi sự hợp thành của nhiều dát sậm màu (dát tăng sắc tố) nhỏ, có kích thước đa dạng, từ nhỏ bằng đầu đinh ghim đến vài millimet đường kính. Những dát này có thể có hình tròn, oval hoặc răng cưa, chúng hợp lại thành những khoảng tăng sắc tố lớn, có giới hạn không đều và có dạng lốm đốm. Kích thước tổng thể của bớt dao động từ vài centimet đến lan rộng hơn đến một bên mặt và thỉnh thoảng ảnh hưởng cả 2 bên mặt. Bớt Ota có màu sắc đa dạng, từ nâu đến xám, xanh, đen và có thể tím.

2. Phân bố:

Bớt thường chỉ ảnh hưởng một bên mặt, và phân bố chủ yếu theo đường đi của 2 nhánh đầu tiên của dây thần kinh sinh ba (Dây V, hay trigeminal nerve). Những vị trí phổ biến nhất của bớt Ota là vùng quanh mắt, thái dương, trán, vùng gò má, dái tai, trước và sau tai, mũi, và kết mạc.

Khoảng từ 5% đến 15% những người có bớt Ota có sang thương xuất hiện ở cả hai bên mặt.

Một điểm đặc trưng của bớt Ota được thấy ở khoảng 2/3 số bệnh nhân là biểu hiện củng mạc cùng bên bị ảnh hưởng. Tuy hiếm gặp, nhưng một số trường hợp bớt Ota ảnh hưởng cả những phần khác của mắt như giác mạc, mống mắt, đáy mắt, mỡ sau mắt, màng xương, võng mạc và thần kinh thị. Sự xuất hiện của các nhú ở đồng tử và tăng nhãn áp đã được báo cáo ở khoảng 10% số bệnh nhân, nhưng thị giác không bị ảnh hưởng.

Những vùng khác cũng có thể bị ảnh hưởng bao gồm màng nhĩ (55%), niêm mạc mũi (30%), hầu họng (25%), và khẩu cái (20%). Thỉnh thoảng, ống tai ngoài, vùng hàm, môi, cổ và lồng ngực cũng bị ảnh hưởng.

Chẩn đoán:

Việc chẩn đoán bớt thường dễ dàng, chủ yếu dựa vào hình ảnh đặc trung của nó trên lâm sàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc chẩn đoán là khó khăn và cần phân biệt một số bệnh lý khác, các bác sĩ có thể cần phải thực hiện sinh thiết da để chẩn đoán chính xác. Sinh thiết da là thủ thuật nhỏ được thực hiện bằng cách cắt lấy một mẩu da nhỏ của người bệnh để xác định sự gia tăng của các tế bào hắc tố một cách bất thường ở lớp trung bì da, nhằm xác định chẩn đoán.

Đối với những trường hợp củng mạc mắt (lòng trắng của mắt) cũng bị ảnh hưởng và có màu xám xanh hoặc nâu, bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ tiến hành khám đánh giá ảnh hưởng của bệnh lên các thành phần cấu tạo mắt, và có thể cần phải sỏi mắt. Một số trường hợp, bác sĩ chuyên khoa mắt cũng có thể chỉ định siêu âm mắt để khảo sát sâu hơn.

 

Những bệnh lý liên quan:

Có một số bệnh lý có liên quan ít nhiều với bớt Ota, bao gồm:

Bớt Ito (Nevus of Ito): Khác với bớt Ota, bớt Ito thường phân bố theo đường đi của các dây thần kinh trên đòn sau, thần kinh bì cánh tay ngoài (các thần kinh này phân bố ở các vùng trên đòn, vùng vai và cơ delta). Hình ảnh trên lâm sàng và trên giải phẫu bệnh của bớt Ito tương tự như bớt Ota. Chúng cũng biểu hiện là những dát lốm đốm hơi xanh và hơi nâu. Bớt Ito có thể xuất hiện đơn độc hoặc xuất hiện đồng thời với bớt Ota cùng bên hoặc ảnh hưởng cả 2 bên cơ thể. Bớt Ito rất hiếm khi tiển triển thành ung thư da melanoma.

 

Bớt Hori (Hori’s nevus): biểu hiện là những dát màu xám xanh hoặc nâu xám ở vùng gò má 2 bên. Ngoài ra, bớt Hori cũng có thể ảnh hưởng vùng trán, mí trên, và mũi. Bớt Hori được báo cáo chủ yếu ở những phụ nữ người Trung Quốc hoặc người Nhật từ 20 đến 70 tuổi. Khác với bớt Ota, mắt và niêm mạc mũi họng thường không bị ảnh hưởng. Bớt Hori thường bị chẩn đoán lầm với nám nhất.

Bớt xanh: biểu hiện là những vùng xám xanh, có thể có những dát sậm màu hơn trên vùng bớt. Tuổi khởi phát và vị trí ảnh hưởng đa dạng, với một số sang thương phân bố dạng đường.

 

Di truyền:

Một số thể hiếm của bớt Ota đã được báo cáo có tính chất gia đình.

Tuy nhiên, nhìn chung không có tính di truyền. Như vậy, khả năng con cái của người có bớt Ota cũng có là khá thấp.

 

Nguyên nhân:

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào có thể xác định một cách chắc chắn nguyên nhân chính gây ra bớt Ota.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng bớt Ota có thể do các đột biến gen. 

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy các yếu tố hormone hoặc phóng xạ cũng có thể góp phần làm xuất hiện bớt. Đã có nhiều báo cáo cho thấy bớt có thể xuất hiện sau khi người bệnh chịu sang chấn, đụng dập ở da hoặc bỏng nắng. Ở nữ giới, một số trường hợp bớt xuất hiện khi bắt đầu có kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh.

Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để chúng ta có thể khẳng định chắc chắn điều này.

Bớt Ota có thể bị nhầm lẫn với những bệnh nào?

Không phải bất cứ trường hợp nào có tăng sắc tố da xuất hiện từ khi sinh cũng là bớt Ota. Cần chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý tăng sắc tố khác.

Các chẩn đoán phân biệt thường gặp của bớt Ota và những bệnh lý liên quan bao gồm bớt Mông Cổ (Mongolian spot, hay congenital dermal melanocytosis), bớt hắc tố trung bình khởi phát ở người lớn, bớt xanh, nám, nevus spilus…

Bớt Mông Cổ có vị trí phân bố ở vùng thắt lưng cùng, và có thể thoái triển tự nhiên theo thời gian, khác với bớt Ota thường không xuất hiện ở vị trí này và tồn tại suốt đời.

 

Bớt Ota có nguy hiểm không?

Mặc dù bớt Ota hiếm khi biến đổi thành các tổn thương ác tính (ung thư), những bệnh nhân bớt Ota có kèm sang thương ở mắt cần được theo dõi sát bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt.

Ở bệnh nhân bớt Ota, phần lớn các ung thư melanoma xuất hiện thêm thường có nguồn gốc từ mắt. Ngoài ra một số bệnh nhân bị tăng nhãn áp (glaucoma, hay dân gian gọi là cườm nước).

Các sang thương da nghi ngờ, đặc biệt là những nốt dưới da mới xuất hiện, nên được sinh thiết để loại trừ ung thư da.

Tất cả những triệu chứng thần kinh cần được đánh giá kỹ khi bệnh nhân than phiền.

 

Bớt Ota có thể tự khỏi không?

Bớt Ota tồn tại suốt đời, và màu sắc của bớt có thể thay đổi theo từng giai đoạn, đặc biệt liên quan đến những sự thay đổi về hormone như khi hành kinh, tuổi dậy thì hoặc thời kỳ mãn kinh.

Ngoài ra bớt cũng có thể đậm lên nếu người bệnh tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời hoặc tia tử ngoại (tia UV)

 

Điều trị:

Laser là phương pháp điều trị bớt Ota hiệu quả nhất. 

Rất nhiều bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng các loại laser như Laser Q-switched ruby, alexandrite, và Nd:YAG. 

Điều trị bớt Ota thường cần nhiều hơn một lần điều trị bằng laser. Tia laser sẽ phá huỷ những tế bào hắc tố hiện đang tạo ra màu sắc xám-xanh của bớt, với mục tiêu trả lại màu da bình thường cho người bệnh.

Điều trị bằng laser có hiệu quả cao nhất ở những người có nền da sáng màu.

 

 

Những người bị bớt Ota có thể chọn cách che phủ vết tăng sắc tố bằng các sản phẩm mỹ phẩm thay vì điều trị bằng laser. Những sản phẩm này có thể bao gồm kem ngụy trang, kem nền hoặc kem che khuyết điểm. Có nhiều kỹ thuật mà ai đó có thể sử dụng để che giấu các tổn thương. Chúng bao gồm tạo đường nét, che khuyết điểm và sử dụng các sản phẩm điều chỉnh màu da.

 

 Xem thêm về công nghệ Revlite tại phòng khám Medcare tại đây.

 

Nếu bạn đang nghi ngờ mình hoặc người thân đang bị bớt Ota hoặc bất kỳ vấn đề tăng sắc tố da nào khác, liên hệ ngay với chúng tôi để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị nhé.

Chia sẻ