Lao da

Nội Dung

Lao da là tình trạng nhiễm trùng da gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis hay còn gọi là vi khuẩn lao. Đây cũng là loại vi khuẩn gây nên tình trạng lao phổi. Mycobacterium bovis gây bệnh lao ở gia súc, và hiện là nguyên nhân hiếm gặp gây bệnh lao da trên toàn thế giới sau các chương trình loại trừ lao ở gia súc. Việc chủng ngừa BCG (chủng ngừa lao) đôi khi có thể gây nên nhiễm trùng da bởi trực khuẩn Calmette-Guerin (BCG), một chủng M. tuberculosis đã giảm độc lực được dùng trong vaccin chủng ngừa lao.

Ai là người có thể mắc lao da?

Bệnh lao da là một dạng lao ngoài phổi không phổ biến (nhiễm lao ở các cơ quan và mô khác ngoài phổi). Bệnh thường gặp hơn ở các quốc gia đang và kém phát triển, có đời sống kinh tế xã hội kém, dân cư đông đúc.

Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh lao (dễ mắc bệnh lao) bao gồm:

  • Tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân mắc đang mắc hoặc đang điều trị bệnh lao.
  • Sinh sống hoặc đến thăm một quốc gia hoặc cộng đồng nơi bệnh lao phổ biến.
  • Sống trong một cộng đồng dân cư đông đúc, bao gồm các cơ sở như nhà dưỡng lão, bệnh viện dài hạn và nhà tù.
  • Làm việc tại bệnh viện và môi trường chăm sóc sức khỏe.

Không phải tất cả mọi người tiếp xúc với vi khuẩn lao đều sẽ mắc bệnh lao, một số người có tính nhạy cảm di truyền cao sẽ dễ mắc bệnh hơn; người ta ước tính rằng chỉ 10% những người bị nhiễm bệnh sẽ phát triển thành bệnh lao hoạt động.

Nguyên nhân gây nên bệnh lao da là gì?

Bệnh lao hầu hết gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, trực khuẩn lao gây ra. Đây là một loại vi khuẩn mycobacterium có tính kháng axit; các trường hợp khác về nhiễm trùng da do mycobacteria bao gồm bệnh phong (M. leprae) và nhiễm trùng bởi vi khuẩn mycobacteria không điển hình như M. marinum.

Bệnh lao da có thể xảy ra sau:

  • Cấy trực tiếp trực khuẩn lao vào da.
  • Lây lan sang da qua theo đường máu .
  • Vi khuẩn lao di chuyển vào da từ ổ nhiễm trùng khác trong cơ thể.

Đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi khuẩn lao ảnh hưởng đến các biểu hiện ngoài da của nhiễm trùng lao. Nhiễm trực khuẩn lao trước đó hoặc tiêm vắc-xin BCG dẫn đến khả năng miễn dịch từ trung bình đến cao. Bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch bởi các thuốc ức chế miễn dịch, sử dụng chất ức chế TNF-alpha và bệnh toàn thân như HIV/AIDS hoặc bệnh bạch cầu có thể cho phép vi trùng lao đang ngủ yên tái hoạt động trở lại và gây nên bệnh lao.

Biểu hiện của bệnh lao da như thế nào?

Bệnh lao da có thể biểu hiện với nhiều thể bệnh đa dạng khác nhau.

1. Săng lao nguyên phát:

Nhiễm trực tiếp trực khuẩn lao từ nguồn bên ngoài vào da hoặc niêm mạc sẽ tạo thành săng lao. Thường gặp chủ yếu ở trẻ em. Nhiễm trùng có thể xảy ra sau khi xỏ khuyên, xăm mình hoặc vết thương xuyên da khác. Mặt, tay và chân là những vị trí phổ biến nhất có liên quan. Săng lao xuất hiện 1-4 tuần sau khi nhiễm, ban đầu xuất hiện dưới dạng sẩn cứng màu đỏ, sau đó trở thành vết loét nông không đau với đáy dạng hạt và mép lõm. Tổn có thể lan rộng theo đường bạch huyết của da tạo nên hình ảnh sporotrichoid đặc trưng.

Hình 1: săng lao

2. Tái nhiễm và tái phát lao da:

Lupus vulgaris là biểu hiện phổ biến nhất của bệnh lao da tái nhiễm. Bất kỳ vị trí da nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng đầu và cổ là những vị trí bị ảnh hưởng phổ biến nhất.

Lupus vulgaris:

Sang thương thường đơn độc nhưng cũng có thể xảy ra ở 2 vị trí khác nhau trên cơ thể. Khoảng 90% ở mặt và cổ. Thường bắt đầu ở mũi, má , dái tai , da đầu sau đó từ từ lan ra các vùng lân cận.

Sang thương ban đầu là những sẩn, dát màu nâu đỏ, mềm, bề mặt nhẵn hoặc tăng sừng,  tiến triển  hậm. Có thể hình thành sang thương mới trong các sẹo cũ.

Sang thương do Lupus lao hiếm khi lành hoàn toàn nếu không được điều trị.Nếu không điều trị có thể để lại di chứng nặng nề như dị dạng ,sẹo teo carcinoma.

Hình 2: Lupus vulgaris

3. Lao cóc:

Tổn thương không điển hình, bắt đầu nhỏ, thường là mảng sùi, giống mụn cóc, màu đỏ tím , viêm nhẹ , tiến triển ly tâm, khuynh hướng lành sẹo ở trung tâm, bóp đau ở rìa, tăng sừng. Thường xuất hiện ở bàn tay, đầu gối, mắt cá chân, mông. Tổn thương tiến triển chậm. Nếu không điều trị , các tổn thương này có thể tồn tại đến nhiều năm.

Hình 3: Lao cóc

4. Nhiễm lao lan tỏa trong máu:

Áp xe lao di căn (gôm lao) là do sự lây lan theo đường máu đến da ở trẻ em và người lớn bị suy giảm miễn dịch, nhưng biểu hiện dưới dạng nốt dưới da hoặc áp xe lạnh ở một đầu chi. Lớp da bên trên vỡ ra tạo thành vết loét với các xoang và lỗ rò.

Hình 4: Lao kê

5. Xâm lấn vào da từ ổ nhiễm trùng tiềm ẩn:

Scrofuloderma theo sau sự xâm lấn trực tiếp của da từ bệnh lao vào hạch bạch huyết hoặc xương bên dưới, thường liên quan đến lao phổi. Các vị trí phổ biến nhất có liên quan là quanh cổ và dưới đường viền hàm.

Hình 5: Scrofuloderma

Các biến chứng của bệnh lao da là gì?

Một số dạng bệnh lao da có liên quan đến khả năng miễn dịch thấp đối với M. tuberculosis và có thể cho thấy tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc đang có tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng khác có thể gây tử vong.

Hình 6: Hồng ban cứng Bazin do phản ứng miễn dịch vủa cơ thể với vi khuẩn lao

Hiếm khi lao da nguyên phát có thể lan rộng hoặc sau khi lành bệnh, lupus vulgaris hoặc lao cóc có xuất hiện tại cùng một vị trí.

Phản ứng quá mẫn lao thường phát triển ở những bệnh nhân có mức độ miễn dịch trung bình đến cao đối với trực khuẩn lao.

Lupus Vulgaris và Scrofuloderma có thể tàn phá và để sẹo biến dạng sau khi lành. Lupus Vulgaris có thể tạo điều kiện phát triển của ung thư biểu mô tế bào vảy hoặc ung thư da khác ở vết sẹo của bệnh nhân, trung bình 25–30 năm sau khi khỏi bệnh ở khoảng 10% người mắc bệnh.

Bệnh lao da được chẩn đoán như thế nào?

Việc chẩn đoán bệnh lao da thường được chẩn đoán bằng các đặc điểm mô bệnh học đặc trưng trên sinh thiết da (cắt một mảnh da, xử lý và soi dưới kính hiển vi). Lao điển hình là hình ảnh u hạt biểu mô dạng vỏ có chứa trực khuẩn kháng axit (AFB). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lao da có thể rất khó xác định do số lượng trực khuẩn trong da rất thấp.

Trực khuẩn lao có thể được phát hiện bằng các phương pháp nhuộm mô đặc biệt như Ziehl-Neelsen, hoặc phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Các xét nghiệm khác có thể cần thiết bao gồm:

Xét nghiệm lao tố da (xét nghiệm Mantoux hoặc PPD)

Xét nghiệm giải phóng interferon-gamma (IGRA) như QuantiFERON-TB

Cấy đờm (có thể mất một tháng hoặc lâu hơn để báo cáo kết quả) và chụp X-quang ngực, các xét nghiệm phóng xạ khác để phát hiện nhiễm trùng ngoài phổi.

Chẩn đoán phân biệt bệnh lao da là gì?

Săng lao: nhiễm mycobacteria không điển hình, các nhiễm trùng cơ hội khác

Lupus vulgaris: bệnh phong, bệnh sacoit

Lao cóc: mụn cóc do virus, dày sừng

Lao quanh lỗ tự nhiên: Bệnh Crohn, giang mai

Scrofuloderma: nhiễm mycobacteria không điển hình, áp xe.

Tổng kết

Lao da là một bệnh lý nhiễm trùng da gây nên bởi vi trùng lao, bệnh hiếm gặp, thường diễn tiến kéo dài và có thể gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh như sẹo, biến dạng, ung thư da…

Nếu bạn có biểu hiện nghi ngờ lao da, hãy đến phòng khám Medcare để được thăm khám và tư vấn nhé.

Chia sẻ