Mất sắc tố hay đốm trắng da do phản ứng viêm

Nội Dung

Giảm sắc tố sau viêm là tình trạng mất sắc tố một phần hoặc hoàn toàn sắc tố da sau khi hồi phục các bệnh lý viêm da hoặc nhiễm trùng da. Tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc điều trị với các thủ thuật da liễu và thẩm mỹ như phẫu thuật lạnh, laser, hoặc tái tạo bề mặt da bằng laser cũng có thể làm giảm hoặc mất sắc tố sau viêm.

Cơ chế sinh bệnh của tình trạng giảm sắc tố sau viêm vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ cho đến thời điểm hiện tại. Tình trạng viêm da có thể ảnh hưởng tất cả các giai đoạn của quá trình tạo lập sắc tố, đặc biệt là giai đoạn chuyển các hạt sắc tố melanin (melanosome lên các tế bào tạo sừng). Tình trạng viêm nặng nề, nghiêm trọng có thể làm cho các hắc tố bào (các tế bào chịu trách nhiệm tạo ra màu da bình thường) trở nên mất chức năng hoặc chết đi.

Giảm sắc tố sau viêm thường có biểu hiện là những dát hoặc khoảng giảm sắc tố có hình dạng và đặc điểm phân bố giống với hình dạng và đặc điểm của những sang thương viêm da trước khi hồi phục. Trong phần lớn các trường hợp, các sang thương da viêm có thể được quan sát thấy kèm theo với những sang thương giảm sắc tố. Ở những bệnh nhân xơ cứng bì và lupus ban đỏ, có thể xảy ra hiện tượng mất sắc tố da hoàn toàn tại vị trí có sang thương da trước đó.

Hình: Những dát giảm sắc tố trên da vùng lưng của bệnh nhân tại vị trí của những mảng vảy nến trước đây.

Việc chẩn đoán giảm/mất sắc tố sau viêm là dựa trên hỏi bệnh và kết hợp thăm khám lâm sàng đơn thuần mà không cần thêm bất cứ xét nghiệm nào trong phần lớn các trường hợp. Đèn Wood’s sẽ giúp làm các sang thương hiện rõ hơn, giúp đánh giá sang thương da tốt hơn. Tuy nhiên, trong những trường hợp khó chẩn đoán hoặc trên hình ảnh thăm khám lâm sàng bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh mycosis fungoides, thì có thể sẽ cần phải thực hiện sinh thiết da. Sinh thiết da là một xét nghiệm đặc biệt, trong đó bác sĩ sẽ cắt một mẩu da nhỏ để đánh giá đặc điểm mô học dưới kính hiển vi, và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Giảm hoặc mất sắc tố sau viêm thường có thể tự hồi phục sau một khoảng thời gian từ vài tuần đến vài tháng, sau khi bệnh lý nguyên nhân hồi phục. Các sang thương mất sắc tố do mất hoàn toàn tế bào tạo sắc tố sẽ không tự cải thiện theo thời gian. Trong những trường hợp này, ghép thượng bì có thể lựa chọn điều trị.

Sau đây là một số nguyên nhân gây mất hoặc giảm sắc tố da do phản ứng viêm:

Vảy phấn trắng:

Vảy phấn trắng là một lý da phổ biến, lành tính xảy ra chủ yếu ở trẻ em và trẻ dậy thì và thường nổi bật hơn ở những người có type da tối màu. Dù trong một số trường hợp, bệnh được xem là một thể của viêm da cơ địa, nhưng vảy phấn trắng cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân không có cơ địa dị ứng.

Vảy phấn trắng thường có biểu hiện là nhiều dát và khoảng mất sắc tố không triệu chứng, hình tròn hoặc bầu dục, thường chủ yếu ở mặt, thân trên, chi trên. Hồng ban nhẹ và tróc vảy có thể xảy ra trước khi bị giảm sắc tố da.

Hình: Những dát giảm sắc tố ở da vùng mặt của một bệnh nhân trẻ bị vảy phấn trắng.

Lichen striatus albus:

Lichen striatus albus là một thể của lichen striatus, trong đó biểu hiện là những dát và khoảng giảm sắc tố sắp xếp dạng đường, dọc theo các đường Blaschko.

Hình: Những dát và khoảng giảm sắc tố sắp xếp dọc theo những đường Blaschko trên chân.

Xơ cứng bì:

Tăng sắc tố da và giảm sắc tố da (hình ảnh “muối và tiêu”) ở bệnh nhân xơ cứng bì, thường đi kèm với những biểu hiện khác trên da của bệnh nhân.

Hình: Tăng sắc tố và mất sắc tố lan tỏa, ngoại trừ vùng da quanh nang lông tạo ra hình ảnh muối và tiêu trên da chân của một bệnh nhân bị xơ cứng hệ thống.

Lichen xơ hóa ngoài vùng sinh dục:

Lichen xơ hóa ngoài vùng sinh dục là một rối loạn viêm mạn tính, xảy ra chủ yếu ở phụ nữ 50-60 tuổi. Bệnh được đặc trưng bởi những mảng teo, trắng như sứ, không triệu chứng, phổ biến nhất ở lưng, ngực, vai, cổ, cổ tay và đùi, những vùng dưới vú. Những sang thương trong giai đoạn sớm của bệnh là những sẩn hình đa giác có bề mặt phẳng, tróc vảy nhẹ, giảm sắc tố, trắng hoặc hồng nhẹ, có thể hợp thành những mảng lớn.

Hình: Nhiều mảng teo da màu trắng trên vùng ngực của bệnh nhân bị lichen xơ hóa ngoài vùng sinh dục.

Lupus ban đỏ dạng đĩa:

Các sang thương viêm của lupus ban đỏ dạng đĩa khi lành sẽ để lại những sẹo teo lõm, giãn mạch và tăng sắc tố và/hoặc giảm sắc tố. Trên mô học, tại vị trí của những sang thương mất sắc tố này sẽ quan sát thấy sự thoái triển của lớp đáy, teo thượng bì, và một số vấn đề về tế bào tạo sắc tố và sắc tố ở lớp bì nông.

Hình: Nhiều sang thương teo da màu trắng ở bệnh nhân bị lupus ban đỏ dạng đĩa

Sarcoidosis:

Sarcoidosis giảm sắc tố là một thể hiếm của sarcoidosis ở da, chủ yếu quan sát thấy ở những người bệnh da tối màu. Bệnh thường biểu hiện là những sẩn hoặc mảng không tróc vảy, mỏng, đường kính từ 1 đến 10 mm, thường phân bố ở thân và mặt. Nhiều sẩn hồng ban hoặc sẩn màu da thường xuất hiện ở trung tâm của khoảng mất sắc tố, làm cho sang thương da có thể có hình dáng như một ‘quả trứng chiên’.

Hình: Sarcoidosis giảm sắc tố. Nhiều dát và khoảng giảm sắc tố rời rạc ở vùng thân của bệnh nhân. Một số sang thương có sẩn trung tâm sang thương, tạo nên hình ảnh giống với quả trứng chiên.

Mycosis fungoides giảm sắc tố

Mycosis fungoides giảm sắc tố (HMF) là một thể không phổ biến của mycosis fungoides, thường thấy nhất ở trẻ em và cha mẹ có màu da sậm màu. HMF thường có biểu hiện là những khoảng mất sắc tố, tróc vảy, phân bố chủ yếu ở thân mình, khung chậu, mông, và những phần gần thân mình của các chi. Ở một số bệnh nhân, tình trạng tróc vảy có thể tối thiểu hoặc không có, và các sang thương có thể khó phân biệt với bệnh bạch biến. HMF cũng có thể khó phân biệt với bệnh vảy phấn trắng, vảy phấn dạng lichen, lang ben, hoặc bệnh phong.

Việc chẩn đoán HMF là khó khăn và thường muộn. Cần sinh thiết lặp đi lặp lại nhiều lần để làm các xét nghiệm mô bệnh học, xác định kiểu hình miễn dịch học và xét nghiệm sinh học phân tử để chẩn đoán chính xác.

Vảy phấn dạng lichen mạn tính

Vảy phấn lichenoides mạn tính là một bệnh lý viêm mạn tính đặc trưng bởi sự xuất hiện của nhiều sẩn từ hồng đến nâu, tróc vảy, ở thân và các chi. Thỉnh thoảng, bệnh có biểu hiện chính là những dát giảm sắc tố lan rộng. Sinh thiết da có thể giúp chẩn đoán xác định.

Hình ảnh: Nhiều sẩn tróc vảy rải rác màu đỏ nâu rải rác và nhiều dát giảm sắc tố ở bệnh nhân vảy phấn dạng lichen mạn tính.
Chia sẻ