BONG DA GHÉP SAU CẤY TẾ BÀO SẮC TỐ CÓ PHẢI ĐIỀU TRỊ THẤT BẠI?

Nội Dung

Cấy tế bào sắc tố là gì ?

Bạch biến là một rối loạn sắc tố khá thường gặp trên da, tuy lành tính nhưng chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bên cạnh các phương pháp điều trị như thuốc uống, thuốc thoa, liệu pháp ánh sáng thì cấy tế bào sắc tố là một trong những phương pháp đạt hiệu quả cao, mang lại nhiều niềm hi vọng cho bệnh nhân bạch biến. Cấy tế bào sắc tố được sử dụng với mục tiêu chuyển tế bào sắc tố từ vùng da bình thường sang những vùng da bệnh đang bị mất màu. Phương pháp được thực hiện bằng cách thu thập và chọn lọc các tế bào sắc tố từ vùng da lành và chuyển sang vùng da bệnh. Trải qua một quy trình phức tạp, các tế bào sắc tố sẽ bắt đầu ổn định, phát triển và tiếp tục sản sinh ra sắc tố tại những vùng da mới. Tuy nhiên, để phương pháp này đạt được hiệu quả tốt thì bên cạnh việc tối ưu hóa quy trình, việc chăm sóc vết thương sau ghép cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Bong da sau ghép là một hiện tượng thường thấy, đây có thể là một dấu hiệu trong tiến trình lành thương tự nhiên, tuy vậy, bệnh nhân cũng cần lưu ý đến một số trường hợp đặc biệt để xử lí kịp thời, để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất sau khi cấy tế bào sắc tố.

Hiện tượng bong mảng ghép sau cấy tế bào.

Mục tiêu quan trọng nhất của việc cấy tế bào sắc tố làm thế nào để tế bào có thể tồn tại và phát triển được trên vùng da bệnh. Trước khi cấy, tế bào sắc tố sẽ được thu thập và trải qua một quy trình chọn lọc cực kì nghiêm ngặt. Những tế bào đủ tiêu chuẩn được hoạt hóa trong dung môi hoặc được đính trên các mảnh ghép thượng bì tự thân trước khi cấy vào vùng  da bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân được cấy mảnh ghép thượng bì tự thân thì sau 7-10 ngày, cách mảnh ghép này sau khi hoàn thành nhiệm vụ “ chuyên chở” sắc tố, sẽ tự động bong ra. Đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường, tế bào sắc tố đã được cấy vào vùng da bệnh, mảnh da bong ra chỉ là những tế bào thượng bì không còn chức năng.

Bên cạnh đó, tại vùng da bệnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiếp nhận tế bào sắc tố, các bác sĩ cần thực hiện các thủ thuật như siêu mài mòn, lăn kim, laser… Các thủ thuật này được thực hiện với mục tiêu tạo ra một môi trường thích hợp để khi các tế bào sắc tố được cấy vào, chúng có thể tồn tại và phát triển một cách tốt nhất có thể.

Như vậy, việc bong tróc da sau khi thực hiện thủ thuật cấy tế bào sắc tố là một hiện tượng tương đối phổ biến, nằm trong tiến trình lành thương tự nhiên. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý một số trường hợp bất thường sau đây:

  • Da bong ra trước 7 ngày: chúng ta đều biết, thời gian 7-10 ngày là giai đoạn cực kì quan trọng quyết định đến sự thành công của phương pháp cấy tế bào sắc tố. Việc da bong ra trước 7 ngày có thể xuất phát từ việc chăm sóc mảng ghép không đúng cách. Trong thời gian trước 7 ngày, các tế bào sắc tố chưa kịp thích nghi, di chuyển và tồn tại ở những vùng da bệnh, lớp da bong ra sớm sẽ lấy đi cả những tế bào sắc tố, điều này sẽ làm giảm đi hiệu quả của phương pháp điều trị.
  • Da bong với các dấu hiệu bất thường như đóng mài dày, mài vàng, rỉ dịch mủ, máu… đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tại vị trí ghép tế bào sắc tố. Khi có các dấu hiệu này, cần nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời. Tình trạng nhiễm trùng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của phương pháp cấy tế bào sắc tố mà thậm chí còn có thể để lại sẹo xấu trên vùng da được cấy.

Một số lưu ý sau khi thực hiện cấy tê bào sắc tố:

  • Tuân thủ tuyệt đối những hướng dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc da tại nhà
  • Trong 7 ngày đầu, vùng da được cấy tế bào sắc tố cần được tránh nước tuyệt đối
  • Cần báo lại bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bong tróc các băng gạc được sử dụng để bảo vệ mảng ghép, tránh tự xử lí tại nhà vì rất dễ ảnh hưởng đến các tế bào sắc tố đã được cấy trên da
  • Sau khi được tháo băng, bệnh nhân có thể quan sát quá trình bong tự nhiên của các mảng thượng bì được ghép trên đó.
  • Tránh dùng tay hoặc các dụng cụ để gở bỏ sớm các lớp thượng bì này, trong giai đoạn sau 7 ngày, lớp thượng bì vẫn có chức năng bảo vệ các tế bào sắc tố bên dưới.
  • Cần báo ngay cho bác sĩ khi có các dấu hiệu như: đau nhức nhiều, đóng mài dày, mài vàng, rỉ dịch máu, mủ, có mùi hôi bất thường tại vị trí da được ghép.

Hiệu quả của phương pháp cấy tế bào sắc tố chỉ đạt được tối ưu khi các mảnh ghép được chăm sóc đúng cách.

Chia sẻ