Herpes sinh dục là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến trên thế giới và đứng hàng thứ 2 tại Hoa Kỳ, thống kê cho thấy cứ 6 người dân Hoa Kỳ thì có 1 người nhiễm Herpes sinh dục. Độ tuổi mắc bệnh trung bình là 15 – 49 tuổi. Bệnh nhiễm Herpes sinh dục (đôi khi được gọi là mụn rộp sinh dục) do tác nhân là Herpes simplex virus type 1 và 2 (HSV-1, HSV-2) gây ra.
HSV-2 gây bệnh lý ở đường sinh dục phổ biến hơn, trong khi HSV-1 lại gây bệnh chủ yếu ở miệng (qua quan hệ tình dục đường miệng). Việc dùng bao cao su không ngăn ngừa nhiễm Herpes sinh dục do vẫn có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với các vùng da khác.
Tuy nhiên, bao cao su vẫn là biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa nhiễm các tác nhân như HIV, HBV, giang mai,…
Nội dung bài viết
ToggleCơ chế bệnh sinh
Herpes simplex virus sau khi xâm nhập vào bề mặt da và cơ quan sinh dục sẽ tăng sinh và phát triển. Sau đó, virus từ các đầu tận của dây thần kinh bề mặt da đi ngược dòng đến tế bào thần kinh và “trú ẩn” tại đây, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ đi theo các sợi dây thần kinh đến bề mặt da và gây ra các triệu chứng một lần nữa.
Chính khả năng “trú ẩn” này là nguyên nhân gây nên các đợt tái phát của bệnh, đồng thời gây khó khăn cho việc điều trị. Do tính chất phân bố rộng lớn của hệ thống thần kinh nên trên thực tế có thể bắt gặp các trường hợp nổi sẩn, mụn nước Herpes ở nhiều nơi trên cơ thể.
Đôi khi, virus có thể đi từ tế bào thần kinh lên hệ thần kinh trung ương (não) và gây ra bệnh cảnh nặng nề là viêm não Herpes.
Biểu hiện lâm sàng
Hầu hết các trường hợp nhiễm Herpes sinh dục đều không có biểu hiện triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Vì thế người bệnh thường bỏ xót bệnh lý này. Triệu chứng điển hình của nhiễm Herpes sinh dục là các sẩn hoặc mụn nước nổi trên nền da đỏ, đôi khi là những vết loét, phân bố thành từng chùm và tập trung chủ yếu ở các vị trí như bộ phận sinh dục, hậu môn (khi nhiễm HSV-2) và quanh miệng (khi nhiễm HSV-1).
Các sang thương này thường gây ngứa, đau và khó chịu, đôi khi đi kèm với sưng hạch vùng cổ, bẹn và đùi. Một số bệnh nhân sẽ có biểu hiện toàn thân như sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ. Các triệu chứng thường khởi phát sau 4 – 7 ngày phơi nhiễm với tác nhân. Sau 2 – 3 tuần, các sang thương sẩn, mụn nước có thể tiến triển đến loét, sau đó sẽ hồi phục và đóng mài.
Có thể xuất hiện các sang thương tại thời điểm này và diễn tiến cũng sẽ giống các sang thương trước đó.

Nhiễm Herpes sinh dục thường gây ra những đợt tái phát các triệu chứng nhưng biểu hiện thường nhẹ hơn so với lần đầu. Sang thương da sẽ xuất hiện ít hơn, ít gây đau và khó chịu hơn và thường hồi phục sau 5 – 10 ngày mà không cần điều trị.
Ở những trường hợp suy giảm miễn dịch (bao gồm HIV), tần suất tái phát nhiều hơn và triệu chứng sẽ diễn tiến nặng hơn so với người có miễn dịch bình thường.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán nhiễm Herpes sinh dục thường dựa vào biểu hiện triệu chứng. Một số xét nghiệm giúp phân biệt nhiễm tác nhân HSV-1 hay HSV-2. Các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm huyết thanh và xét nghiệm sinh học phân tử
Điều trị
Theo WHO, trong trường hợp nhiễm Herpes sinh dục lần đầu tiên, thuốc được khuyến cáo bao gồm:
- Aciclovir 400mg x 3 uống/ngày trong 10 ngày (liều tiêu chuẩn), hoặc:
- Aciclovir 200mg x 5 uống/ngày trong 10 ngày
- Valaciclovir 500mg x 2 uống/ngày trong 10 ngày
- Với những bệnh nhân tái phát các triệu chứng, thuốc khuyến cáo bao gồm:
- Aciclovir 400mg x 3 uống/ngày trong 5 ngày đầu, sau đó 800mg x 2 uống/ngày trong 5 ngày tiếp theo (hoặc 800mg x 3 uống/ngày trong 2 ngày tiếp theo)
- Valaciclovir 500mg x 2 uống/ngày trong 3 ngày
Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện viêm não Herpes (sốt cao, đau đầu, rối loạn ý thức), cần được đưa đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị bằng thuốc tiêm tĩnh mạch.
Với những bệnh nhân nhiễm HIV hoặc mang thai thì cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn trước khi đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Không có nhiều xét nghiệm giúp chẩn đoán nhiễm Herpes sinh dục. Trên thực tế, việc chẩn đoán bệnh thường dựa vào biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, các xét nghiệm chẩn đoán sẽ giúp ích một phần cho các bác sĩ.
Một số nhóm xét nghiệm bao gồm xét nghiệm huyết thanh và xét nghiệm virus học.
1. Xét nghiệm huyết thanh:
Là xét nghiệm dựa vào phản ứng kháng nguyên – kháng thể. Hiện nay, có 2 loại xét nghiệm đặc hiệu cho mỗi tác nhân HSV-1 và HSV-2. Xét nghiệm tác nhân HSV-2 có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, tuy nhiên cần lưu ý trong giai đoạn sớm của bệnh sẽ gây ra kết quả âm tính giả, do đó có thể lặp lại xét nghiệm sau 12 tuần để đánh giá kết quả hiệu giá kháng thể.
Với xét nghiệm tác nhân HSV-1, kết quả dương tính chưa thể khẳng định tác nhân này gây ra các triệu chứng nhiễm Herpes sinh dục do người bệnh có thể bị nhiễm HSV-1 khi còn nhỏ tuổi. Vì vậy, cần phối hợp với xét nghiệm virus học từ dịch tiết các sang thương vùng sinh dục.
2. Xét nghiệm virus học:
Bao gồm một số xét nghiệm như: xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT), xét nghiệm PCR, nuôi cấy virus. Trong đó, nuôi cấy virus đòi hỏi kỹ thuật và trang thiết bị đặc biệt, cùng với đó là chi phí lớn nên ít được áp dụng trên thực tế. Cả 3 loại xét nghiệm này đều có thể giúp phân biệt tác nhân HSV-1 và HSV-2.
Xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT) rất có ích trong việc xác định tác nhân trong dịch tiết của sang thương da và vùng sinh dục. Xét nghiệm dựa vào cơ chế khuếch đại các phần tử có trong bệnh phẩm, sau đó được phân tích để tìm ra sự hiện diện vật chất di truyền là DNA Herpes simplex virus, từ đó giúp chẩn đoán nhiễm bệnh.
PCR là phương pháp sinh học phân tử có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong việc chẩn đoán viêm não Herpes qua dịch não tủy.
Nguồn:
(1) Workowski KA, Bachmann LH, Chan PA, Johnston CM, Muzny CA, Park I, Reno H, Zenilman JM, Bolan GA. Sexually Transmitted Infections Treatment Guidelines, 2021. MMWR Recomm Rep. 2021 Jul 23;70(4):1-187.
(2) Guidelines for the management of symptomatic sexually transmitted infections. Geneva: World Health Organization; 2021 Jun.