Bệnh mồng gà (genital wart), sùi mào gà, hạt cơm sinh dục, mụn cóc sinh dục là tên gọi của bệnh lý lây truyền qua đường tình dục do HPV (Human Papilloma virus – virus sinh u nhú ở người) gây ra. Đây là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Theo thống kê của CDC Hoa Kỳ năm 2019, mồng gà là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất với trên 42 triệu trường hợp mắc và 13 triệu ca bệnh mới mỗi năm.
Người bệnh có thể bị nhiễm HPV khi quan hệ tình dục qua đường miệng, âm đạo hoặc hậu môn với người bị nhiễm virus. HPV có thể bị lây lan ngay cả khi người bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng gì. Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có thể bị HPV, ngay cả khi chỉ quan hệ với một bạn tình. Đôi khi những triệu chứng có thể xuất hiện nhiều năm sau khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh. Do đó rất khó để biết bị nhiễm bệnh lần đầu vào lúc nào.
Có hơn 100 type HPV trên thế giới, trong đó có ít nhất 14 type được cho là có liên quan đến ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
Nội dung bài viết
ToggleBệnh sinh và biểu hiện lâm sàng
Người bệnh bị nhiễm HPV khi tiếp xúc với vùng da thông thường, niêm mạc miệng, âm đạo, hậu môn có chứa tác nhân. Sau khi tiếp xúc, tác nhân làm biến đổi cấu trúc vùng mô xâm nhập và tạo nên các hình ảnh tổn thương như sẩn, mụn, u nhú, u sùi,…Việc dùng bao cao su khi quan hệ không làm giảm nguy cơ mắc bệnh vì có thể lây bệnh qua các vùng da khác được tiếp xúc.
Trên thực tế, nam giới dùng bao cao su khi quan hệ thường mắc bệnh mồng gà ở gốc dương vật. Tuy nhiên, bao cao su vẫn là một phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa nhiễm các bệnh lý lây qua đường tình dục khác như HIV, HBV, giang mai,…
Trong phần lớn trường hợp, bệnh nhiễm HPV sẽ tự khỏi và không gây ra bất cứ vấn đề nào về sức khỏe. Một số trường hợp bệnh có thể gây ra các biểu hiện như mụn rộp. Mụn rộp thường trông giống như cục u nhỏ hay một nhóm cục u ở vùng sinh dục. Những cục u này có thể nhỏ hay lớn, nhô lên hay dẹt, hoặc có hình dạng như bông cải.
Triệu chứng thường khởi phát sau 3 tuần – 9 tháng nhiễm HPV. Các tổn thương da thường ít gây khó chịu cho bệnh nhân và thường được phát hiện tình cờ. Một số bệnh nhân có cảm giác ngứa nhẹ hay đau khi quan hệ. Đôi khi bệnh có thể diễn tiến đến ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.

Chẩn đoán và điều trị
Việc chẩn đoán bệnh mồng gà chủ yếu dựa vào biểu hiện triệu chứng và yếu tố nguy cơ của người bệnh. Không có nhiều xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định bệnh.
Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều có thể tự khỏi trong 1 – 2 năm. Một số trường hợp gây khó chịu khi sinh hoạt hoặc mất tính thẩm mỹ thì có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc thủ thuật cắt bỏ. Một số loại kem bôi có thể được dùng tại nhà, tuy nhiên hiệu quả thấp và đòi hỏi sử dụng trong thời gian dài. Mặt khác, nếu tự ý sử dụng hoặc không sử dụng đúng cách các sản phẩm này thì sẽ gây ra các biến chứng nặng nề hơn như loét, nhiễm trùng,…làm xơ sẹo tại các vùng tổn thương.
Các thủ thuật điều trị các tổn thương do HPV bao gồm: : áp nitơ lỏng, đốt điện, laser, phẫu thuật. Hiện nay, một số cơ sở y tế không uy tín thực hiên các thủ thuật không đúng kỹ thuật, không đảm bảo vô trùng và chăm sóc sau thủ thuật, dẫn đến các hệ quả xấu về mặt thẩm mỹ. Vì thế người bệnh khi nghi ngờ nhiễm HPV cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp.
HPV và ung thư
Vấn đề được quan tâm nhiều nhất khi nhiễm HPV là khả năng diễn tiến đến ung thư. HPV có thể gây bệnh ung thư cổ tử cung và những loại ung thư khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hay hậu môn. HPV cũng có thể gây ung thư ở phía sau họng, bao gồm vùng dưới lưỡi và amidan (gọi là ung thư vùng hầu họng). Thường phải hàng năm, thậm chí hàng chục năm, sau khi nhiễm HPV thì mới phát triển thành bệnh ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 5100 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới với 2400 phụ nữ tử vong, dẫn đến việc trở thành căn bệnh ung thư ở phụ nữ đứng hàng thứ 2.
Một điều đáng mừng khi không phải tất cả các type HPV đều gây ung thư. Theo nghiên cứu, có 14 type HPV có liên quan đến việc gây ung thư, trong đó type 16 và 18 là hai type chiếm tỷ lệ cao nhất với 70% số trường hợp ung thư và các tổn thương tiền ung thư.
Không có cách nào để biết người nhiễm HPV nào sẽ bị ung thư. Một số nghiên cứu cho thấy không tiêm vaccine ngừa các type HPV nguy cơ cao, hút thuốc lá là những yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư khi nhiễm HPV. Ngoài ra, những trường hợp có hệ miễn dịch suy yếu (ví dụ: HIV) và đồng nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục khác (như lậu, chlamydia, Herpes sinh dục) cũng là yếu tố góp phần dẫn đến ung thư.
Kêt luận
Hiện nay, có những biện pháp giúp giảm thiểu nguy cơ diễn tiến đến ung thư bao gồm:
- Tiêm vaccine ngừa các type HPV nguy cơ cao gây ung thư (type 16 và 18) ở phụ nữ và bé gái ở độ tuổi 9 – 26 tuổi với 3 mũi tiêm. Vaccine đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Vaccine cũng có thể được tiêm cho nam giới.
- Bỏ thói quen hút thuốc lá
- Giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ
- Với phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, cần tầm soát sớm và định kỳ ung thư cổ tử cung, đi khám nếu có triệu chứng báo động như: bất thường kinh nguyệt, rong kinh, rong huyết. Ngoài ra, cần can thiệp sớm nếu có những biến đổi dạng tiền ung thư.
Nguồn tham khảo:
- Sùi mào gà và những điều cần biết 2020, BS. Mai Thị Cẩm Cát, Bộ môn Da liễu – Trường Đại học Y dược Huế.
- Hơn 5000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung mỗi năm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
- Workowski KA, Bachmann LH, Chan PA, Johnston CM, Muzny CA, Park I, Reno H, Zenilman JM, Bolan GA. Sexually Transmitted Infections Treatment Guidelines, 2021. MMWR Recomm Rep. 2021 Jul 23;70(4):1-187.
- Okunade KS. Human papillomavirus and cervical cancer. J Obstet Gynaecol. 2020 Jul;40(5):602-608. doi: 10.1080/01443615.2019.1634030. Epub 2019 Sep 10. Erratum in: J Obstet Gynaecol. 2020 May;40(4):590.