Biểu hiện viêm da do côn trùng khá phức tạp. Từ biểu hiện chấn thương cơ học, bị côn trùng đốt với các chất kích ứng, độc hoặc mang tính dị nguyên hoặc dược học, phản ứng tiếp xúc đến những biểu hiện nhiễm trùng thứ phát, hay truyền bệnh… Trong đó, viêm da tiếp xúc do côn trùng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu lo lắng và có thể thành dịch. Bệnh do tiếp xúc đơn thuần với các chất chất tiết của côn trùng đang sống hoặc bị chết.
Nội dung bài viết
ToggleI. Giới thiệu về kiến khoang Paederus
Paederus là côn trùng thuộc họ Staphylinidae . Paederus mình dài, thanh từ 1,5-20 mm (7-10 mm), thoạt nhìn giống kiến. Dân gian gọi bằng nhiều tên như: kiến khoang, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít. Đầu nhỏ, có 2 râu đơn chia đốt mở rộng về phía trước. Mình mang 3 đôi chân. Bụng có 8 đốt rất dẻo, uống cong dẽ dàng, một sô đốt bụng màu đỏ hung một số đốt khác màu đen, đốt cuối cùng nhọn có 2 cái cặp. Trên mình có cánh 2 đôi cánh, cánh cứng ở ngoài che khoảng 3-4 đốt bụng, cánh lụa ở dưới, bình thường cánh lụa cuộn gọn dưới cánh cứng, khi bay thì cánh này xoè ra.
Paederus chạy và bay rất nhanh, khi chạy cong đít lên như đít bọ cạp. Sống chủ yếu bằng chất phân huỷ của thực vật, đôi khi cả động vật thối rữa… Hay sống ở chỗ có phân rác, cỏ mục, rìa đầm lầy, dưới đống gạch, trong vỏ cây nứt nẻ, đôi khi trong cả tổ chim, ổ động vật có vú có khi sống chung với kiến thường với mối.
Chúng sinh sản quanh năm, nhưng chủ yếu nhiều vào mùa mưa thời tiết nóng ẩm. Đây là loại côn trùng vùng nhiệt đới, nóng ẩm.
Đối với các loài này thường hoạt động vào ban đêm nhưng Paederus lại hoạt động ban ngày (điều này có thể giải thích được tại sao buổi tối hay gặp Paederus quanh bóng điện sáng). Chúng ưa khí hậu ẩm. Ta có thể gặp Paederus ở quanh bóng đèn trong các buồng làm việc, buồng ngủ, nhất là ở các cơ quan đóng quân cạnh đồng ruộng, hồ, rác.
Một khi đã vào trong nhà, chúng có thể đậu trên người, dù đang ngủ hay tỉnh, hoặc đậu trên quần áo, khăn mặt. Loại côn trùng này không đốt hay cắn con người nhưng sự tiếp xúc vô tình của nó với chúng ta hoặc chúng bị đập, giết, chà xát, nghiền thì có thể làm chúng trở nên nguy hiểm vì khoang cơ thể của chúng sẽ tiết ra chất pederin, chính là thành phần gây viêm da tiếp xúc kích ứng.
II. Lâm sàng
Chất pederin tạo nên phản ứng ở da trong vòng 24 giờ sau tiếp xúc. Đáp ứng ở da thấy được khác nhau phụ thuộc vào nồng độ của Paederin, thời gian tiếp xúc và từng cá thể bệnh nhân bị tiếp xúc.
Trường hợp nhẹ có thể thấy ban đỏ nhẹ trong khoảng 2 ngày sau đó tự hết. Trường hợp nặng hơn, các ban đỏ này sẽ tiến tiến thành bọng nước trong vài ngày tiếp theo, tổn thương có vùng hơi lõm gợi hình một vật gì hình tròn hoặc bầu dục áp vào, sau đó là giai đoạn bong vảy da, để lại các dát tăng, giảm sắc tố.
Thời gian toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày. Đôi khi tổn thương cũng để lại sẹo. Các tổn thương này phân bố thành dải do sự chảy dịch tiết của côn trùng trên da. Bệnh nhân cũng có thể vô tình truyền chất paederin sang vị trí khác của cơ thể do cào gãi, gây ra các vệt tổn thương khác nhau trên cơ thể hoặc dấu hiệu kissing với các tổn thương đối xứng khớp vào nhau.
Vị trí tổn thương thường gặp hơn ở các vùng hở, tuy nhiên tổn thương có thể gặp ở bất kì đâu, kể cả vùng mặt và sinh dục do sự va quệt tình cờ của bệnh nhân vào các vùng này. Nếu vùng quanh mắt bị tổn thương có thể dẫn đến viêm kết mạc mắt. Trong trường hợp rất nặng, các bọng nước có thể lan rộng trên một diện tích lớn của cơ thể gây bội nhiễm, đau, rát và rất khó chịu, toàn thân có thể sốt, hạch vùng sưng đau.
Bệnh thường xảy ra nhiều vào mùa mưa, thời điểm tháng 7, 8, 9,10 hàng năm. Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng, sau một đêm ngủ dậy (hơn 60% trường hợp).
Cơ năng ngứa, rát bỏng, có khi đau.
Cần phân biệt với viêm da do nguyên nhân khác như (hoá chất, sơn..) zona, viêm da tiếp xúc do lá cây (photophytodermatitis).
III. Điều trị
Các trường hợp nhẹ bệnh có thể tự khỏi.
Điều trị tại chỗ.
• Ngay sau khi tiếp xúc với côn trùng cần phải rửa ngay vùng bị bệnh bằng nước và xà phòng.
• Vị trí bị bệnh được điều trị bằng các dung dịch nước hoặc hồ làm dịu da, sát khuẩn như dung dịch Jarish, hồ nước, hồ neo pred.
• Tổn thương khô nên được bôi bằng mỡ corticoid, mỡ kháng sinh đề phòng nhiễm trùng
Điều trị toàn thân.
• Kháng histamin làm giảm triệu chứng ngứa rát.
• Giảm đau, an thần.
• Kháng sinh chống nhiễm trùng.
IV. Phòng bệnh
– Phòng bệnh bằng tránh tiếp xúc với côn trùng này. Cộng đồng cần được giáo dục để nhận biết kiến khoang và tránh đập nát chúng khi thấy chúng. Nếu thấy côn trùng ở trên da có thể thổi chúng đi hoặc cho chúng vào 1 tờ giấy rồi bỏ đi. Vùng tiếp xúc ngay lập tức phải được rửa đi bằng xà phòng và nước. Quần áo sau khi tiếp xúc cần được giặt thật kĩ.
– Bởi vì loài kiến này bị thu hút bởi ánh sáng đèn nên cần đóng các cửa sổ, cửa ra vào các phòng làm việc và phòng ngủ vào ban đêm.
– Khi ngủ nên tắt điện để tránh thu hút kiến.
– Khi có cảm giác rát bỏng, nổi ban đỏ cần phải đến cơ sở Da liễu khám để được chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời.
Liên hệ tư vấn và đặt lịch hẹn khám chữa bệnh:
Medcare Skin Centre
95/36 Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39 700 555
Email: info@medcare.com.vn