Cháy nắng: dấu hiệu và cách khắc phục

Nội Dung

Cháy nắng là tình trạng da bị viêm, đau và có cảm giác nóng khi chạm vào. Tình trạng này thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng quá lâu.

Bạn có thể làm giảm tình trạng bỏng nắng bằng các biện pháp tự chăm sóc đơn giản như uống thuốc giảm đau và làm mát vùng da bỏng nắng. Nhưng có thể mất nhiều ngày để vết bỏng nắng mờ đi.

Việc ngăn ngừa bỏng nắng quanh năm bằng cách thoa kem chống nắng hoặc sử dụng các thói quen bảo vệ da khác là điều quan trọng đối với tất cả mọi người. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn ở ngoài trời, ngay cả trong những ngày mát mẻ hoặc nhiều mây.

Triệu chứng:

Các triệu chứng bỏng nắng có thể bao gồm:

  • Da bị viêm, có thể có màu hồng hoặc đỏ trên người có tuýp da trắng và có thể khó nhìn thấy hơn trên người da nâu hoặc đen
  • Da cảm thấy ấm hoặc nóng khi chạm vào
  • Đau rát và/hoặc ngứa
  • Sưng tấy
  • Các mụn nước nhỏ, chứa dịch trong và dễ vỡ
  • Nhức đầu, sốt, buồn nôn và mệt mỏi, nếu bị bỏng nắng nghiêm trọng
  • Mắt cảm thấy đau hoặc khó chịu

Bất kỳ bộ phận nào của cơ thể bị phơi bày — bao gồm dái tai, da đầu và môi — đều có thể bị bỏng. Ngay cả những khu vực được che phủ cũng có thể bị bỏng nắng, ví dụ trong trường hợp nếu quần áo có vải dệt lỏng lẻo cho phép tia cực tím (UV) xuyên qua. Đôi mắt cực kỳ nhạy cảm với tia UV của mặt trời nên cũng có thể bị bỏng.

Các triệu chứng bỏng nắng thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Trong vòng vài ngày, cơ thể có thể bắt đầu việc tự chữa lành bằng cách lột lớp trên cùng của da bị tổn thương. Một vết bỏng nắng nặng có thể mất vài ngày để chữa lành. Những thay đổi về màu da do bỏng nắng thường biến mất theo thời gian.

Nguyên nhân:

  • Nguyên nhân gây bỏng nắng là do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV). Tia UV có thể từ mặt trời hoặc các nguồn nhân tạo, chẳng hạn như đèn chiếu UV và giường tắm nắng. 
  • UVA là bước sóng ánh sáng có thể thâm nhập vào các lớp sâu của da dẫn đến các tổn thương da theo thời gian. UVB là bước sóng ánh sáng thâm nhập vào da một cách hời hợt hơn và gây bỏng nắng.
  • Ánh sáng tia cực tím làm hỏng các tế bào da. Hệ thống miễn dịch cơ thể phản ứng lại bằng cách tăng lưu lượng máu đến các vùng da bị ảnh hưởng, khiến da bị viêm (ban đỏ) được gọi là bỏng nắng.
  • Chúng ta có thể bị bỏng nắng cả vào những ngày mát mẻ hoặc nhiều mây. Các bề mặt như tuyết, cát và nước cũng có thể phản xạ tia UV và làm bỏng da.

Các yếu tố nguy cơ:

Các yếu tố nguy cơ gây bỏng nắng bao gồm:

  • Tuýp da trắng, tóc sáng
  • Có tiền sử bị bỏng nắng
  • Sống hoặc du lịch ở một nơi đầy nắng, ấm áp hoặc ở độ cao lớn
  • Làm việc ngoài trời
  • Bơi hoặc xịt nước hoặc dầu em bé lên da, vì da ướt có xu hướng bị bỏng nhiều hơn da khô
  • Kết hợp hoạt động ngoài trời và uống rượu
  • Thường xuyên không bảo vệ da khi tiếp xúc với tia UV từ ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn nhân tạo, chẳng hạn như giường tắm nắng, chèn chiếu UV
  • Dùng thuốc khiến bạn dễ bị bỏng hơn (thuốc nhạy cảm với ánh sáng)

Biến chứng:

Phơi nắng nhiều, lặp đi lặp lại dẫn đến bỏng nắng làm tăng nguy cơ tổn thương da khác và một số bệnh. Chúng bao gồm lão hóa da sớm (lão hóa do ảnh hưởng), tổn thương da tiền ung thư và ung thư da.

  • Lão hóa sớm: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và cháy nắng lặp đi lặp lại làm tăng tốc quá trình lão hóa của da. Những thay đổi trên da do tia UV gây ra được gọi là lão hóa do quang hóa. Kết quả của quá trình này: Làm suy yếu các mô liên kết, làm giảm sức mạnh và độ đàn hồi của da, da khô sần sùi, nhiều nếp nhăn, tăng sắc tố da, … 
  • Tổn thương da tiền ung thư: Tổn thương da tiền ung thư là những mảng sần sùi, có vảy ở những vùng bị tổn thương do ánh nắng mặt trời. Chúng thường được tìm thấy trên các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như đầu, mặt, cổ và tay của những người có làn da dễ bị bỏng nắng. Những mảng này có thể phát triển thành ung thư da. Chúng còn được gọi là dày sừng quang hoá hay dày sừng ánh sáng. 
  • Ung thư da: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, ngay cả khi không bị bỏng nắng, sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, chẳng hạn như các khối u ác tính ở da. Nó có thể làm hỏng DNA của các tế bào da. Ung thư da phát triển chủ yếu trên các vùng cơ thể tiếp xúc nhiều nhất với ánh sáng mặt trời, bao gồm da đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay, chân và lưng.

Cách xử lý ban đầu khi bị cháy nắng:

Làn da của bạn có thể bị bỏng nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời mà không có sự bảo vệ thích hợp từ kem chống nắng và quần áo. Để giúp chữa lành và làm dịu làn da bị châm chích, điều quan trọng là phải bắt đầu điều trị bỏng nắng ngay khi bạn nhận thấy. Thực hiện theo các lời khuyên của bác sĩ da liễu để giúp giảm bớt sự khó chịu:

  • Điều đầu tiên bạn nên làm là ra khỏi ánh nắng mặt trời và tốt nhất là ở trong nhà.
  • Thường xuyên tắm nước mát hoặc tắm vòi hoa sen để giúp giảm đau. Ngay khi bạn ra khỏi bồn tắm hoặc vòi hoa sen, hãy nhẹ nhàng lau khô người, nhưng để lại một ít nước trên da. Sau đó, thoa kem dưỡng ẩm để giúp giữ nước trong da. Điều này có thể giúp giảm khô.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa lô hội hoặc đậu nành để giúp làm dịu làn da bị cháy nắng. Nếu một khu vực cụ thể cảm thấy đặc biệt khó chịu, bạn có thể bôi kem kháng viêm giúp làm giảm nhanh tình trạng viêm đỏ, khó chịu
  • Uống thêm nước: Uống thêm nước khi bạn bị cháy nắng sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.
  • Nếu da của bạn bị phồng rộp, hãy để vết phồng rộp tự lành. Không nên làm vỡ mụn nước vì mụn nước hình thành để giúp da mau lành và bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm trùng.
  • Hãy cẩn thận hơn để bảo vệ làn da bị cháy nắng trong khi nó lành lại. Mặc quần áo che da khi ở ngoài trời. 

Mặc dù có vẻ như là tình trạng tạm thời, nhưng bỏng nắng – là kết quả của việc da tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) của mặt trời – có thể gây tổn thương lâu dài cho da. Thiệt hại này làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da của một người, khiến việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời trở nên quan trọng.

Khi nào cần gặp Bác sĩ:

Bạn cần gặp Bác sĩ của bạn khi có các dấu hiệu như:

  • Hình thành mụn nước lớn
  • Xuất hiện mụn nước trên mặt, tay hoặc bộ phận sinh dục
  • Sưng nề nghiêm trọng ở vùng thương tổn
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như mụn nước có mủ…
  • Đau dữ dội hơn, nhức đầu, lú lẫn, buồn nôn, sốt hoặc ớn lạnh
  • Trở nên tồi tệ hơn mặc dù được chăm sóc tại nhà
  • Đau mắt hoặc thay đổi thị lực

Đặc biệt, bạn cần đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu bạn bị bỏng nắng kèm các dấu hiệu sau:

  • Sốt trên 39 độ C kèm theo nôn mửa
  • Lú lẫn
  • Nhiễm trùng
  • Mất nước
  • Da lạnh, chóng mặt hoặc ngất xỉu

Phòng ngừa:

  • Sử dụng nhiều phương pháp ngăn ngừa bỏng nắng, ngay cả trong những ngày mát mẻ, nhiều mây hoặc sương mù. Cẩn thận xung quanh nước, tuyết, bê tông và cát vì chúng phản chiếu tia nắng mặt trời. Ngoài ra, tia UV mạnh hơn khi ở độ cao lớn.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Các tia nắng mặt trời mạnh nhất trong những giờ này. Nếu buộc phải như thế, hãy hạn chế thời gian bạn ở ngoài nắng. Tìm kiếm bóng râm khi có thể.
  • Tránh tắm nắng và giường tắm nắng. Làn da rám nắng không làm giảm nguy cơ bị bỏng nắng. Nếu bạn sử dụng sản phẩm nhuộm da để có làn da rám nắng, hãy bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài trời.
  • Sử dụng kem chống nắng thường xuyên và rộng rãi. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng, kháng nước và có chỉ số SPF ít nhất là 30, ngay cả trong những ngày nhiều mây. Các sản phẩm phổ rộng giúp bảo vệ chống lại tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB). SPF 30 chặn 97% tia UVB. Không có loại kem chống nắng nào có thể ngăn chặn 100% tia UVB của mặt trời.
  • Khoảng 30 phút trước khi ra ngoài, hãy thoa đều kem chống nắng lên vùng da sạch và khô. Sử dụng ít nhất 2 muỗng canh kem chống nắng để che phủ tất cả các bề mặt của vùng da tiếp xúc. Nếu bạn đang sử dụng kem chống nắng dạng xịt, hãy xịt vào tay rồi xoa lên da, điều này giúp tránh hít phải sản phẩm. 
Chia sẻ