XÉT NGHIỆM TRONG BỆNH LÝ NHIỄM HPV

Không có xét nghiệm nào biết được “tình trạng HPV” ở người cũng như tìm được HPV ở miệng hoặc họng. Phần lớn những người bị HPV không biết họ bị bệnh này và chưa có những triệu chứng hay vấn đề sức khỏe nào từ đó. Một số người bệnh phát hiện nhiễm HPV khi có biểu hiện nổi mụn sinh dục.

Nữ giới có thể biết được mình bị nhiễm HPV khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường (trong quá trình tầm soát ung thư cổ tử cung. Đôi khi người bệnh chỉ biết được sau khi gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn từ HPV, ví dụ như ung thư.

Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Hiện nay, chỉ có các xét nghiệm HPV dùng để tầm soát ung thư cổ tử cung. Chỉ nên làm những xét nghiệm này để tầm soát cho nữ giới từ 30 tuổi trở lên. Không nên xét nghiệm HPV để tầm soát cho nam giới, người vị thành niên hoặc nữ giới dưới 30 tuổi.

Có 3 loại xét nghiệm thường gặp tại Việt Nam, bao gồm: Pap smear, Thinprep, HPV DNA. Các xét nghiệm này đều được thực hiện khá nhanh và đơn giản.

1. Xét nghiệm Pap smear:

Là phương pháp phết cổ tử cung lấy các tế bào trên bề mặt này, sau đó sẽ được phết và trải rộng trên lam kính. Tiêu bản sau đó được xử lý và quan sát dưới kính hiển vi nhằm tìm ra các tế bào hoặc các biến đổi bất thường.

Theo khuyến cáo:

  • Phụ nữ 21-29 tuổi nên thực hiện Pap test mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV không được khuyến cáo ở độ tuổi này.
  • Phụ nữ 30-65 tuổi nên thực hiện đồng thời cả 2 xét nghiệm HPV và Pap test (còn gọi là co-testing) mỗi 5 năm (lựa chọn ưu tiên). Ngoài ra, cũng có thể chọn Pap test đơn thuần mỗi 3 năm.
. Phương pháp Pap smear

2. Xét nghiệm Thinprep

Xét nghiệm này tương tự như kỹ thuật Pap smear khi cũng lấy mẫu trên bề mặt cổ tử cung. Tuy nhiên, bệnh phẩm sau đó sẽ không được phết lên lam kính mà được lưu trữ và xử lý trong một dung dịch đặc biệt, sau đó sẽ được đưa qua máy phân tích tự động nhằm tìm sự hiện diện của tế bào bất thường trong mẫu bệnh phẩm.

Phương pháp Thinprep có ưu điểm hơn so với Pap smear khi không bỏ xót các tế bào bất thường qua việc phết trên lam kính. Mặc dù vậy, chi phí cao và đòi hỏi về trang thiết bị là những hạn chế của phương pháp này.

3. Xét nghiệm HPV DNA:

Phương pháp này cũng được thực hiện bằng cách lấy mẫu trên bề mặt cổ tử cung. Tiếp theo đó sẽ được đem đi phân tích bằng kỹ thuật sinh học phân tử PCR nhằm tìm kiếm sự có mặt của các type HPV nguy cơ cao trong mẫu bệnh phẩm.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp xác định tình trạng nhiễm HPV, tức đánh giá nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Việc chẩn đoán ung thư cổ tử cung cần được phối hợp với phương pháp khác như Pap smear.

Nguồn tham khảo:

  1. Tầm soát ung thử cổ tử cung, đừng để quá muộn, Bệnh viện Từ Dũ 2021.
  2. Phương pháp xét nghiệm, tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả, VNVC.
  3. Workowski KA, Bachmann LH, Chan PA, Johnston CM, Muzny CA, Park I, Reno H, Zenilman JM, Bolan GA. Sexually Transmitted Infections Treatment Guidelines, 2021. MMWR Recomm Rep. 2021 Jul 23;70(4):1-187.

Chia sẻ
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận