Tất cả về bệnh bạch biến

Nội Dung

Bạch biến là một rối loạn mất sắc tố da thường gặp, trong đó các khoảng da do chính hệ miễn dịch của cơ thể chống lại bị mất màu sắc. Bệnh không nguy hiểm, không lây lan nhưng gây nhiều di chứng về tâm lý cho bệnh nhân. Cho đến nay, vẫn chưa có một phương pháp nào có thể chữa dứt điểm hoàn toàn bạch biến. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều phương pháp đã cho thấy hiệu quả phục hồi màu da ở những vùng da bị mất sắc tố trong một thời gian dài. Hãy cùng Medcare tìm hiểu thêm về bệnh bạch biến nhé.

Bạch biến là gì?

Bệnh bạch biến là một rối loạn mắc phải được đặc trưng bởi các dát và khoảng mất sắc tố (màu sắc của vùng da bệnh sáng màu hơn những vùng da xung quanh) do mất các tế bào hắc tố hoạt động bình thường. Các tế bào hắc tố (melanocyte) có chức năng tạo ra melanin, là một trong những chất quan trọng nhất góp phần tạo nên màu da bình thường của chúng ta. 

Nguyên nhân gây nên bệnh bạch biến là gì?

Nguyên nhân gây nên căn bệnh này vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn nhưng được cho là kết hợp giữa các yếu tố di truyền, tác động của môi trường. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể đóng vai trò trong việc gây ra bệnh bạch biến:

1. Yếu tố di truyền:

Yếu tố di truyền: Bệnh bạch biến có thể xuất hiện trong gia đình, có khả năng di truyền từ thế hệ cha mẹ. Một người có người thân bị bệnh bạch biến có khả năng bạn sẽ mắc căn bệnh này. 

2. Rối loạn miễn dịch:

Rối loạn miễn dịch: Có thuyết cho rằng bệnh bạch biến có thể phát triển do hệ miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất melanin trong da, gây ra sự gián đoạn trong quá trình sản xuất melanin.

3. Tác động của môi trường:

Tác động của môi trường: Tiếp xúc quá nhiều với các chất gây hại hoặc tác nhân gây ung thư có thể tác động tiêu cực đến sản xuất melanin và góp phần gây ra bệnh bạch biến.

4. Stress và tâm lý:

Stress và tâm lý: Một số nghiên cứu gợi ý rằng tình trạng tinh thần và tâm lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh bạch biến.

Như vậy rõ ràng, bệnh bạch biến không có tính lây nhiễm và chắc chắn không lây cho những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bạch biến.

 

Bệnh bạch biến có biểu hiện như thế nào?

Bệnh bạch biến thường biểu hiện bằng các dát và khoảng mất sắc tố không triệu chứng, có màu trắng như sữa hoặc phấn và không có dấu hiệu viêm trên lâm sàng. Bỏng nắng nghiêm trọng, mang thai, chấn thương da và/hoặc căng thẳng về cảm xúc có thể xảy ra trước khi bệnh khởi phát. Tổn thương có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và mọi nơi trên cơ thể, ưu thế ở mặt và các vùng xung quanh các lỗ tự nhiên (miệng, mũi, hậu môn…), bộ phận sinh dục và bàn tay. Chúng có kích thước thay đổi từ vài mm đến nhiều cm và thường có giới hạn lồi ra ngoài và có thể được phân định rõ ràng với vùng da bình thường xung quanh.

Bệnh bạch biến có thể biểu hiện nhiều mức độ mất sắc tố (trắng). Các tổn thương ba màu được đặc trưng bởi các vùng da trắng, nâu nhạt và màu da bình thường và thường thấy nhất ở những người có làn da sẫm màu. Các tổn thương tứ sắc có thể có tăng sắc tố quanh nang lông hoặc rìa, trong khi các tổn thương ngũ sắc cũng có màu xanh lam. Một biến thể lâm sàng khác được gọi là bệnh bạch biến ponctué, biểu hiện các chấm mất sắc tố nhỏ giống như kim tuyến.

Bệnh bạch biến có thể liên quan với những bệnh lý nào?

1. Các bệnh tự miễn:

  • Bệnh bạch biến thường liên quan đến bệnh tuyến giáp tự miễn và các bệnh tự miễn hoặc qua trung gian miễn dịch khác, bao gồm rụng tóc từng vùng, bệnh vảy nến, đái tháo đường type 1, viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột, thiếu máu ác tính, bệnh xơ cứng bì thể dải, bệnh nhược cơ, bệnh lupus dạng đĩa, lupus ban đỏ hệ thống và bệnh Sjögren’s. Bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn đi kèm có nhiều khả năng mắc bệnh bạch biến lan toả hơn so với bệnh nhân không mắc bệnh lý liên quan.
  • Bệnh bạch biến cũng có thể là biểu hiện lâm sàng của các hội chứng tự miễn đa tuyến, đặc biệt là bệnh đa tuyến nội tiết do tự miễn-bệnh nấm candida-loạn dưỡng ngoại bì (APECED; hội chứng tự miễn đa tuyến type 1 [PAS1]) và bệnh Addison với bệnh tuyến giáp tự miễn (hội chứng Schmidt).

2. Liên quan đến một số rối loạn di truyền: 

  • Bệnh bạch biến có liên quan đến một số rối loạn di truyền, bao gồm hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada, hội chứng Alezzandrini, hội chứng Kabuki.
  • Trong một số trường hợp hiếm gặp, các khoảng giảm sắc tố tương tự như bệnh bạch biến có thể biểu hiện trước khi người bệnh được chẩn đoán ung thư melanoma ở da. Sự hiện diện của sự mất sắc tố tương tự như bạch biến ở bệnh nhân melanoma được cho là dấu hiệu của phản ứng miễn dịch chống lại khối u và có thể là dấu hiệu tiên lượng tốt ở các bệnh nhân có melanoma giai đoạn tiến triển.

3. Các vấn đề tâm lý xã hội: 

  • Bệnh bạch biến có thể là một rối loạn tàn phá tâm lý, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh bản thân và lòng tự trọng của bệnh, Gánh nặng về sức khỏe tâm thần và cảm xúc của bệnh bạch biến nghiêm trọng hơn ở bệnh nhân nữ và những người có làn da sẫm màu, trong đó các tổn thương của bệnh bạch biến nổi bật hơn.
  • Ở một số nước, sự nhầm lẫn với bệnh phong là nguyên nhân quan trọng gây ra sự kỳ thị và cô lập của xã hội. Trẻ em mắc bệnh bạch biến có thể bị chấn thương tâm lý nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này ở tuổi trưởng thành.

Cần phân biệt bạch biến với những bệnh nào?

Khi mất sắc tố hoàn toàn, chẩn đoán phân biệt có thể bao gồm mất sắc tố do hóa chất hoặc thuốc gây ra (ví dụ: imatinib), mất sắc tố sau viêm, mất sắc tố liên quan đến ung thư melanoma và xơ cứng bì, giai đoạn cuối của bệnh treponematosis và bệnh giun chỉ, và bệnh piebaldism (đối với các tổn thương bẩm sinh). Một tổn thương mất sắc tố hình tròn duy nhất trên thân người trẻ tuổi có thể là biểu hiện của halo nevus giai đoạn III.

Những tổn thương sớm hoặc những tổn thương mất một phần sắc tố cần được phân biệt với tình trạng giảm sắc tố sau viêm, bệnh lang ben và các bệnh nhiễm trùng da khác (ví dụ như bệnh phong). Ngoài việc giảm chứ không phải mất sắc tố, bớt mất sắc tố (nevus depigmentosus) có thể được phân biệt bằng sự ổn định và khởi phát sớm, mặc dù các tổn thương có thể không rõ ràng cho đến giữa thời thơ ấu ở những người có nền da sáng màu. Điều trị bằng corticosteroid tại chỗ hoạt lực mạnh cũng có thể dẫn đến giảm sắc tố.

Bệnh bạch biến có nguy hiểm không?

Do chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, nên bản thân bệnh bạch biến không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, bệnh bạch biến có thể đi kèm với những bệnh lý tự miễn khác, mà thường nhất là bệnh tuyến giáp tự miễn. Do đó, người bệnh bạch biến cần lưu ý tầm soát thêm các bệnh lý này, cũng như khám sức khoẻ tổng quát thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm.

Bạch biến được điều trị như thế nào?

Cho đến nay, vẫn chưa có một phương pháp nào có thể chữa dứt điểm hoàn toàn bạch biến. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều phương pháp đã cho thấy hiệu quả phục hồi màu da ở những vùng da bị mất sắc tố trong một thời gian dài, đây cũng là mong muốn của đại đa số bệnh nhân bạch biến.

Các phương pháp điều trị bạch biến hiện nay bao gồm:

1. Tái sắc tố da bằng thuốc:

Các thuốc nhóm corticosteroid có thể được bác sĩ chỉ định uống hoặc thoa, các thuốc thoa nhóm ức chế calcineurin có tác dụng điều hòa miễn dịch như tacrolimus, các thuốc thoa nhóm đồng vận vitamin D.

Vừa qua, FDA vừa phê duyệt một loại thuốc mới được ứng dụng vào điều trị bạch biến, với hiệu quả đã được chứng minh rõ rệt: Ruxolitinib.

 

Xem thêm về Ruxolitinib tại đây

 

2. Liệu pháp ánh sáng:

Chiếu UVB phổ hẹp: ánh sáng phát ra có bước sóng từ 311 đến 313nm, đã được chứng minh có thể làm ngưng hoặc chậm tiến triển của bệnh bạch biến. Hiệu quả có thể cao hơn nữa khi kết hợp liệu pháp với corticosteroids hoặc các thuốc ức chế calcineurin.

Laser excimer: thiết bị này phát ra ánh sáng có bước sóng tử ngoại (cực tím), gần với bước sóng của NB-UVB, có năng lượng cao và khả năng điều trị hội tụ vào một vùng da nhỏ, giúp điều trị tập trung các vùng da bạch biến.

3. Phi kim (Nanopigment):

Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên biệt để tạo những vi tổn thương theo thứ tự từ vùng còn sắc tố đến vùng mất sắc tố, với mục đích lôi kéo và cấy các tế bào hắc tố từ vùng chưa bị tổn thương sang vùng bệnh, giúp phục hồi sắc tố ở vùng này. Ngoài ra phương pháp này còn kích thích hiện tượng viêm, thúc đẩy sự tăng sinh và dịch chuyển của tế bào hắc tố và từ đó cải thiện màu da.

Đây là một phương pháp điều trị bổ sung có hiệu quả, đặc biệt trong những trường hợp bệnh nhân đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thuốc thoa, thuốc uống, liệu pháp ánh sáng và không muốn thực hiện các biện pháp xâm lấn hơn.

4. Ghép da tự thân:

Hiện nay, có nhiều phương pháp cấy ghép tế bào hắc tố lên vùng da bệnh, giúp phục hồi màu da. Các phương pháp hiệu quả nhất hiện nay bao gồm: ghép thượng bì tự thân, ghép tế bào thượng bì không nuôi cấy, và cấy ghép vi điểm micropunch. Tuỳ tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp cấy ghép phù hợp nhất, với hiệu quả phục hồi sắc tố có thể lên đến 90-99%.

Các phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những trường hợp bệnh nhân kháng trị với các phương pháp điều trị bạch biến thông thường khác. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có một số ít đơn vị đã triển khai và thực hiện thành công phương pháp này, trong đó Medcare đã và đang gặt hái được nhiều thành công khi vận dụng ghép thượng bì tự thân để điều trị cho các trường hợp kháng trị.

 

Xem thêm các phương pháp điều trị can thiệp bạch biến tại đây.

 

5. Trang điểm/Ngụy trang:

Hiện nay đã có nhiều sản phẩm trang điểm với nhiều màu sắc phù hợp cho nhiều màu da đa dạng khác nhau, giúp người bệnh tự tin hơn trong giao tiếp xã hội hàng ngày trong thời gian chờ các phương pháp điều trị trên phát huy hiệu quả.

 

Ngoài ra, ở những trường hợp bạch biến mà diện tích da lành còn lại rất ít gần như không đáng kể, chúng ta có thể làm mất sắc tố chủ động vùng da lành này, với mục tiêu giúp cho bệnh nhân có một làn da đều màu trên toàn cơ thể. Phương pháp thường dùng nhất để làm mất sắc tố chủ động là thoa monobenzone. Việc thoa monobenzone cần theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa, để tránh các tai biến do sử dụng thuốc không đúng cách, mà thường nhất là kích ứng da do sử dụng monobenzone nồng độ quá cao.

 

Nếu bạn đang nghi ngờ mình mắc bệnh bạch biến hoặc các rối loạn mất/giảm sắc tố da khác, hãy liên hệ ngay với Medcare để được các bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn điều trị trong thời gian sớm nhất nhé.

 

 

 

Chia sẻ