Mất sắc tố hay đốm trắng sau điều trị laser

Nội Dung

Màu da của một được quyết định bởi sự sản sinh của các tế bào sắc tố (melanin). Không giống như người da trắng, làn da của người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung có xu hướng sậm màu hơn do có nhiều melanin hơn. Do đó khi có một nguyên nhân gây giảm hoặc mất sắc tố sẽ gây những sự thay đổi đáng kể, ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề thẩm mỹ của người bệnh, từ đó tác động rất lớn đến vấn đề tâm lý và chất lượng cuộc sống.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng mất sắc tố hay những đốm trắng trên da, ví dụ như mất sắc tố sau tổn thương da như bỏng, vết thương, sau bệnh lý viêm da, hay mất sắc tố do nguyên nhân bệnh lý như bạch biến, lang ben, vảy phấn trắng, lichen xơ teo …. Gần đây, khi xu hướng thẩm mỹ ngày càng được ưa chuộng thì nguyên nhân mất sắc tố do những phương pháp làm đẹp ngày càng phổ biến và càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Hãy cùng bài viết tìm hiểu nguyên nhân mất sắc tố sau điều trị laser.

Mất sắc tố do nhiều phương pháp làm đẹp:

1. Lột da bằng hóa chất:

Lột da bằng hóa chất cải thiện những bất thường trên da của bạn, làm cho các lớp trên cùng của da bong ra, dẫn đến làn da mịn màng và tươi sáng hơn. Nếu bạn có làn da màu, bạn có nhiều nguy cơ bị giảm sắc tố sau khi lột sâu (giảm sắc tố sau viêm).

2. Các phương pháp mài mòn da:

Bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ loại bỏ những chỗ bất thường ở các lớp ngoài của da. Nếu bạn có làn da màu, bạn có nhiều khả năng bị giảm sắc tố sau khi mài da.

3. Triệt lông:

Sử dụng nhiệt từ tia laser để phá hủy các nang lông. Nhiệt độ quá cao có thể làm tổn thương vùng da xung quanh của bạn và gây giảm sắc tố.

4. Laser:

Nếu là một người yêu thích và hiểu biết về các phương pháp làm đẹp, hẳn bạn sẽ không thấy xa lạ khi nghe về laser – một xu hướng điều trị thẩm mỹ da, áp dụng rất hiệu quả các vấn đề tăng sắc tố, trẻ hóa da, sẹo,…

Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều loại laser, với các bước sóng và thông số kỹ thuật khác nhau. Mỗi loại laser lại đáp ứng cho từng vấn đề điều trị khác nhau. Nếu sử dụng laser tại các nơi không có các bác chuyên khoa da liễu hoặc thẩm mỹ, được đào tạo chuyên sâu về laser thì nguy cơ có biến chứng và gây mất sắc tố da rất cao.

Mất sắc tố do laser là tình trạng xuất hiện các đốm trắng trên bề mặt da sau laser. Tình trạng này có thể xuất hiện tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nguyên nhân là do các tế bào tạo sắc tố (melanocyte) đang bị thương hoặc chết, gây nên tình trạng không tổng hợp sắc tố trên bề mặt da, từ đó gây nên những đốm trắng.

Nguyên nhân khiến bệnh nhân bị mất sắc tố thường là do lựa chọn sai laser và điều chỉnh các thông số chưa phù hợp khi điều trị. Thường gặp là do lựa chọn mức năng lượng quá cao, không phù hợp với tình trạng da của bệnh nhân. Hoặc có thể do bắn nhiều lần với tần suất dày đặc, mặc dù sử dụng mức năng lượng thấp nhưng vẫn bị.

Mặc dù bắn laser với năng lượng rất thấp nhưng nó lại tác động lên tế bào Melanocyte liên tục, tác động dày đặc thì sẽ dẫn đến tình trạng tổn thương tế bào tạo sắc tố ở bên dưới. Khi tế bào Melanocyte bị tổn thương thì nó sẽ không sinh ra sắc tố nữa. Do lựa chọn cách phục hồi da không đúng nên tình trạng mất sắc tố có thể nặng thêm lên.

Điều trị:

Cần phục hồi hoặc kích thích phát triển được tế bào tạo sắc tố (melanocyte), từ đó sản xuất melanin, khôi phục sắc tố cho làn da. Các liệu pháp ánh sáng sẽ có hiệu quả nếu bạn bị đốm trắng do điều trị bằng laser (giảm sắc tố do laser) như tẩy lông bằng laser, xóa hình xăm bằng laser hoặc tái tạo bề mặt da bằng laser. Có thể sử dụng một loại thuốc gọi là psoralen kết hợp với tia cực tím A (PUVA) hoặc tia cực tím B (UVB). Các nghiên cứu cho thấy liệu pháp chiếu ánh sáng có hiệu quả điều trị chứng giảm sắc tố da do tia laser gây ra.  Hiện nay, ngoài phương pháp dùng tia UV để kích thích tế bào sắc tố thì có thể kết hợp dùng huyết tương giàu tiểu cầu -PRP, lăn kim, ghép da hoặc tiêm các sản phẩm tế bào gốc cũng có thể hiệu quả.

Mặc dù mất sắc tố da không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ nhưng nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo của mỗi người, đặc biệt là phái nữ. Chính vì thế, nên chữa trị kịp thời và lựa chọn phương pháp phù hợp để điều trị hiệu quả, lấy lại màu sắc vốn có của làn da. Có thể dự phòng tình trạng mất sắc tố do điều trị laser bằng cách chỉ đến điều trị ở những phòng khám Da liễu uy tín và được thực hiện bởi bác sĩ Da liễu có chuyên môn. Tùy thuộc vào vấn đề da cần điều trị, tình trạng da sẵn có của bệnh nhân và loại laser sử dụng mà bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị: chọn loại laser, các thông số: bước sóng, năng lượng và tần suất phù hợp.

Hi vọng sau bài viết này, người đọc có thể hiểu được phần nào mất sắc tố sau điều trị laser cũng như tìm hiểu những phương pháp làm đẹp hiệu quả.

Chia sẻ