CÁC LOẠI THUỐC BÔI ĐIỀU TRỊ BẠCH BIẾN 

Nội Dung

Thuốc bôi điều trị bạch biến đang là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Bạch biến là một bệnh lý mất sắc tố khá phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bệnh gây ra một gánh nặng về tâm lý và giao tiếp xã hội cho người bệnh do ảnh hưởng nặng nề về mặt thẩm mỹ. Các phương pháp phổ biến hiện nay bao gồm thuốc bôi, thuốc uống, ánh sáng liệu pháp (như EXCIMERLASER) và ghép da.

Hiện nay, có nhiều loại thuốc thoa giúp điều trị, kiểm soát, ngăn ngừa mức độ lan rộng. Hãy cùng Medcare tìm hiểu ngay sau đây.

Corticosteroids thoa tại chỗ

Corticosteroid (hay corticoid) bôi là một trong 2 loại thuốc bôi điều trị bạch biến thường dùng nhất. Thuốc tác động thông qua cơ chế làm suy giảm hiện tượng tự miễn dịch, là một trong những cơ chế chính trong bệnh sinh của bệnh bạch biến. 

Các corticoid thoa thường được lựa chọn là các thuốc có hoạt lực từ trung bình đến mạnh (nhóm 2 đến 4 theo hệ thống phân loại của Hoa Kỳ), trong đó các thuốc có tác dụng phụ tại chỗ và hệ thống tương đối ít so với các corticoid khác, như mometasone furoate, thường được lựa chọn. Các thuốc thoa hoạt lực mạnh được khuyến cáo dùng 1 lần/ngày, còn các thuốc thoa hoạt lực trung bình được khuyên dùng 2 lần/ngày. 

Tất cả các loại corticosteroid thoa độ mạnh bất kỳ khi dùng thời gian dài đều có thể gây ra nhiều tác dụng phụ trên da như teo da, rạn da, dãn mạch, rậm lông, phát ban mụn trứng cá do corticosteroid… Vì vậy, người bệnh chỉ nên sử dụng sau khi được bác sĩ thăm khám và chỉ định, và bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để theo dõi tác dụng phụ của thuốc cũng như quyết định thời điểm cần chuyển sang loại thuốc thoa khác.

Các thuốc ức chế calcineurin 

Các thuốc ức chế calcineurin là loại thuốc thường được chỉ định nhất trong điều trị bệnh bạch biến. Một đại diện khá quen thuộc của nhóm thuốc này đối với các bệnh nhân bạch biến là Tacrolimus. Trên thị trường, người bệnh có thể dễ dàng tìm thấy các loại thuốc này với những cái tên quen thuộc như Tacroz Forte của Glenmark, hay Sovalimus của GMP-WHO, v.v.Cũng như corticosteroid, thuốc tác động lên cơ chế tự miễn, tuy nhiên vẫn có một số đặc điểm khác biệt. 

Thuốc thường gây một số tác dụng phụ như nóng, bỏng rát sau khi thoa, nhưng các tác dụng phụ này thường là lành tính và tự giới hạn sau một thời gian mà không cần phải thay đổi điều trị. Để giảm cảm giác khó chịu khi sử dụng thuốc, người bệnh có thể tăng liều dần từ thấp đến cao (bằng cách bôi thuốc một lần/ngày trong những ngày đầu rồi mới tăng dần lên bôi hai lần/ngày trong các ngày tiếp theo thay vì dùng hai lần/ngày ngay từ đầu như liều điều trị được khuyến cáo), và bỏ thuốc vào ngăn mát của tủ lạnh trước khi sử dụng. 

Do không gây teo da, rạn da, cũng như các biến chứng nguy hại trên da khác khi sử dụng kéo dài như corticosteroid nên Tacrolimus thường được lựa chọn để điều trị duy trì trong thời gian dài. Tacrolimus có nhiều nồng độ khác nhau, mà thường gặp là các nồng độ 0.03% và 0.1%, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn lựa chọn loại chế phẩm có nồng độ phù hợp với vùng da bệnh để hạn chế tác dụng phụ không mong muốn. 

Thuốc ức chế JAK (Ruxolitinib)

Ngày 18 tháng 7 năm 2022, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong công cuộc điều trị bệnh bạch biến. Lần đầu tiên, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chính thức phê duyệt thuốc thoa Ruxolitinib 1,5% trong điều trị bệnh lý bạch biến cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Đây là thuốc đầu tiên và duy nhất hiện nay giúp phục hồi màu da cho bệnh nhân bạch biến

Ruxolitinib thuộc nhóm thuốc ức chế JAK (Janus Kinase). Thuốc làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, khóa chặt một số chất gây nên phản ứng viêm. Thuốc đã được chứng minh hiệu quả cũng như mức độ an toàn trong nhiều nghiên cứu.

Dữ liệu nghiên cứu lâm sàng cho thấy 50% bệnh nhân thoa Ruxolitinib phục hồi màu sắc da rõ rệt sau 1 năm, hiệu quả sớm thường bắt đầu sau 24 tuần điều trị liên tục. Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc là nổi mụn, đỏ và ngứa da tại vị trí thoa. Hiếm hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện viêm mũi họng, đau đầu, sốt.

Calcipotriene thoa tại chỗ

Calcipotriene là một dẫn xuất tổng hợp của vitamin D, được ứng dụng để điều trị bệnh vẩy nến. thuốc có sẵn dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ. Khi bôi hai lần mỗi ngày, thuốc này có thể kích thích sản xuất sắc tố ở những vùng da bị bệnh bạch biến. Thường mất một vài tháng điều trị để thấy kết quả. Đôi khi, bạn có thể bị kích ứng da nhẹ sau khi bôi thuốc, các tác dụng phụ khác thường rất hiếm gặp.

 Tuy vậy, hiệu quả của thuốc tương đối hạn chế trong điều trị bệnh bạch biến. Calcipotriene cần kết hợp với các loại thuốc bôi khác, Liệu pháp ánh sáng hoặc phương pháp laser để mang lại hiệu quả.

Thuốc thoa hỗ trợ:

Hiện nay, có một số các dòng sản phẩm chứa các hoạt chất chống oxy hóa, giúp hỗ trợ điều trị bệnh bạch biến. Trong đó, nổi tiếng nhất là dòng Vitiskin của hãng ISIS pharma. Tuy vây, cần lưu ý rằng thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ, giúp tăng hiệu quả điều trị và KHÔNG thay thế được các thuốc thoa đặc trị truyền thống khác.

Một số thuốc bôi điều trị bạch biến khác:

Một số thuốc khác đã được sử dụng trong điều trị bạch biến là các chất đồng vận vitamin D, đồng vận Prostaglandin F2 (như Latanoprost, một chất quen thuộc trong lĩnh vực nhãn khoa, thường được sử dụng để điều trị glaucoma hay dân gian còn gọi là cườm nước), v.v. Trên thị trường cũng có nhiều sản phẩm kem dưỡng ẩm có bổ sung các dưỡng chất giúp hỗ trợ hồi phục làn da bạch biến, bằng cách cung cấp nguyên liệu cho việc tổng hợp melanin.  Tuy vậy các thuốc thoa này thường có hiệu quả không cao, và cần tùy theo từng bệnh nhân cụ thể.

Một số lầm tưởng cần tránh !!!

Methoxsalen: hiện nay, một số bệnh nhân lan truyền về hiệu quả THẦN KỲ của methoxsalene. Tuy vậy, đây không phải là một thuốc xa lạ với chuyên ngành da liễu. Methoxsalene là một thuốc khiến da nhạy cảm với ánh sáng, mà cụ thể là tia UV. Trước đây, thuốc thường được dùng kèm liệu pháp ánh sáng UVA, còn gọi là PUVA trong điều trị bệnh bạch biến. Tuy vậy, PUVA lại kèm rất nhiều các tác dụng phụ nguy hiểm như dị ứng, đỏ, ngứa, châm chích, bỏng da… Và nguy hiểm hơn là UNG THƯ DA. Hiện nay, liệu pháp ánh sáng với tia NB-UVB cũng như EXCIMER LASER gần như đã thay thế PUVA, vì vậy bạn cần tư vấn bác sĩ trước khi dùng loại thuốc trên.

 

Hình ảnh ung thư da do điều trị kéo dài với Methoxsalene

Các thuốc trị nấm: các thuốc này KHÔNG có tác dụng điều trị bệnh bạch biến. Một số tình trạng nấm da có biểu hiện giống bệnh bạch biến và được điều trị khỏi với các thuốc này. Điều này khiến bạn lầm tưởng rằng thuốc có thể điều trị bệnh bạch biến.

Thuốc rượu, thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tễ: hiện chưa có bằng chứng các loại thuốc này có thể điều trị bệnh bạch biến. Bạn cần nhớ rằng, một số ít bệnh nhân bệnh bạch biến có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Đôi khi hiệu quả của các thuốc trên chỉ là sự trùng hợp quá trình tự khỏi bệnh của bệnh bạch biến. Và đôi khi, các “lang băm” sẽ trộn các hoạt chất có trong thuốc tây để mang lại hiệu quả điều trị, điều này khiến khó kiểm soát liều lượng thuốc và gây ra nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân.

Tóm lại bạn cần tỉnh táo để tránh tiền mất tật mang

Kết luận

Các loại thuốc thoa tại chỗ luôn là lựa chọn đơn giản nhất, phổ biến nhất và luôn cần thiết để tiếp cận điều trị đa số các trường hợp bệnh nhân bạch biến. Ngoài ra, thuốc bôi điều trị bạch biến còn là phương pháp hữu hiệu nhất để phối hợp với các phương pháp còn lại, giúp làm tăng hiệu quả. 

Hiện nay, có nhiều loại thuốc thoa giúp điều trị, kiểm soát, ngăn ngừa mức độ lan rộng và gần đây nhất là Ruxolitinib giúp phục hồi màu da cho bệnh nhân bệnh bạch biến. 

Nếu bạn đang gặp các vấn đề về sắc tố da hay nghi ngờ mình bị bạch biến, hãy đến phòng khám Medcare để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị nhé!

Chia sẻ