Bệnh lậu là một bệnh nhiễm khuẩn, do song cầu Gram (-) Neisseria gonorhoeae gây nên. Bệnh thường lây trực tiếp qua quan hệ tình dục không bảo vệ đường âm đạo, hậu môn và sinh dục – miệng.
Biểu hiện bệnh ở nam thường là viêm niệu đạo cấp tính, ở nữ là viêm cổ tử cung có thể có hoặc không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bộ phận khác cũng có thể bị nhiễm bệnh như hậu môn – trực tràng, họng, mắt… Nhiễm khuẩn huyết do lậu cầu cũng có thể xảy ra và thường phối hợp với viêm khớp, tổn thương da. Mặc dù đã có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng nếu không được phát hiện kịp thời hoặc điều trị không đúng phác đồ bệnh có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như vô sinh, thai ngoài tử cung…
Nội dung bài viết
ToggleI. SINH LÝ BỆNH
Lậu cầu khuẩn là một song cầu Gram (-) có hình thái đặc biệt:
– Hình hạt cà phê, sắp xếp thành từng cặp.
– Bắt màu Gram (-) nằm trong bạch cầu đa nhân trung tính.
– Dài khoảng 1,6m, rộng 0,8m, khoảng cách giữa hai vi khuẩn 0,1m.
– Nuôi cấy trên môi trường thạch máu hoặc nước báng phát triển nhanh. Hiện nay thường nuôi cấy trên môi trường Thayer-Martin và làm kháng sinh đồ.
– Sức đề kháng yếu: ra khỏi cơ thể chỉ tồn tại một vài giờ.
Lậu cầu không chịu được khô, do vậy khi lấy bệnh phẩm phải cấy ngay hoặc cho vào môi trường bảo quản. Điều kiện nuôi cấy 3 – 10% CO2, nhiệt độ 35 – 37oC, độ ẩm 70%, pH 7,3.
Cấu trúc màng lậu cầu: phức tạp và đặc biệt cho từng type, kháng nguyên LPS (lipopolysarcarid) là kháng nguyên ngoài màng nhưng có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh.
II. NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ
1. Nguyên nhân:
Thường xảy ra ở niêm mạc khi quan hệ tình dục bằng đường âm đạo, hậu môn hay miệng; hoặc cũng có thể qua ngón tay hay dụng cụ bị nhiễm.
2. Yếu tố nguy cơ:
– Quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh mà không có dụng cụ bảo vệ.
– Nhiều bạn tình.
– Trẻ sơ sinh bị lây nhiễm từ người mẹ nhiễm bệnh qua đường sinh.
III. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG
1. Bệnh lậu ở nam: thường gặp là viêm niệu đạo
Có khoảng 85% nam bị viêm niệu đạo do lậu sẽ biểu hiện cấp tính với các triệu chứng khó chịu, đái buốt và ra mủ, thường kèm theo phù nề và đỏ miệng sáo. Ra mủ niệu đạo là một triệu chứng đặc hiệu của bệnh lậu, mủ màu vàng, vàng xanh, số lượng nhiều làm cho người bệnh rất lo lắng. Thời gian ủ bệnh từ 1-14 ngày, trung bình 2-5 ngày.
Khoảng 25% bệnh nhân có triệu chứng không rõ, biểu hiện ra dịch niệu đạo nhưng không nhiều và màu trong, không phân biệt được với viêm niệu đạo không do lậu, một số trường hợp không có triệu chứng. Các bệnh nhân này sẽ không được điều trị và sẽ làm tăng lây truyền trong cộng đồng. Các bệnh nhân có triệu chứng nếu không điều trị thì sau vài ngày đến vài tuần sẽ giảm triệu chứng cấp tính và có thể xảy ra biến chứng tại chỗ như viêm niệu đạo sau gây đái són đau, viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh và tuyến tiền liệt cấp hoặc mạn, viêm tuyến Cowper, tuyến Tyson.
Nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng bệnh lý rõ ràng. Tuy nhiên, dù có hay không có triệu chứng mà không được điều trị thì đều có thể xảy ra biến chứng.
2. Bệnh lậu ở nữ:
Viêm ống cổ tử cung là biểu hiện đầu tiên của bệnh lậu nữ. Niệu đạo cũng bị nhiễm lậu cầu (70-90%). Các tuyến Skène và Bartholin cũng thường bị nhiễm trùng. Thời gian ủ bệnh của bệnh lậu ở nữ là không rõ ràng nhưng thông thường trong khoảng 10 ngày. Các triệu chứng thường thấy là ra khí hư nhiều, tiểu khó, ra máu giữa kỳ kinh, rong kinh…
Bệnh nhân có thể có đơn độc một triệu chứng hoặc có nhiều triệu chứng. Biểu hiện các triệu chứng có thể rất nhẹ hoặc rầm rộ. Khi khám có thể không thấy biểu hiện bất thường ở cổ tử cung, nhưng nhiều bệnh nhân cổ tử cung ra mủ hoặc mủ nhày, đỏ và phù nề vùng ngoài cổ tử cung và khi chạm vào rất dễ chảy máu. Khi khám có thể thấy mủ ở niệu đạo, các tuyến quanh niệu đạo, tuyến Bartholin.
Bệnh lậu ở phụ nữ có thai không khác bệnh lậu ở phụ nữ không có thai. Tuy nhiên, có thể nhận thấy phụ nữ có thai ít bị viêm tiểu khung hơn và hay gặp lậu hầu họng hơn. Các biến chứng thường xảy ra ở phụ nữ có thai là sảy thai tự nhiên, vỡ ối sớm, đẻ non, viêm cấp màng ối rau, viêm kết mạc mắt trẻ sơ sinh, viêm hầu họng…
3. Nhiễm trùng hậu môn – trực tràng:
Nhiễm trùng hậu môn gặp tỷ lệ 35 – 50% phụ nữ bị viêm cổ tử cung do lậu và thường gặp ở người tình dục đồng giới nam. Viêm trực tràng ít gặp hơn. Triệu chứng có thể biểu hiện như ngứa hậu môn, chảy dịch mủ nhày ở hậu môn nhưng không đau, đôi khi thấy chảy máu trực tràng, có thể nặng như viêm trực tràng, biểu hiện đau, mót rặn và có thể tiêu chảy, đi ra chất nhày hoặc mủ, táo bón. Khám thấy hậu môn đỏ, có mủ nhày, soi hậu môn có nhày hoặc mủ, đỏ, phù nề, niêm mạc dễ chảy máu.
4. Nhiễm trùng hầu họng:
Có tới trên 90% trường hợp không triệu chứng. Biểu hiện viêm hầu họng, viêm amiđan cấp, đôi khi có sốt và sưng hạch vùng cổ.
5. Nhiễm trùng các cơ quan khác:
Viêm kết mạc mắt hiếm gặp ở người lớn và do tự lây nhiễm lậu cầu từ sinh dục – hậu môn, do dùng chung khăn chậu với bệnh nhân. Một số trường hợp có thể xảy ra ở nhân viên phòng xét nghiệm do tai biến nghề nghiệp.
Nhiễm trùng da tiên phát do lậu có thể xảy ra và thường là các vết loét ở sinh dục, tầng sinh môn, đùi và ngón tay.
Lậu mắt ở trẻ sơ sinh. Bệnh thường xuất hiện sau đẻ 1 – 3 ngày. Có thể bị một hoặc cả hai mắt. Mắt sưng nề không mở được, có rất nhiều mủ từ mắt chảy ra, kết mạc, giác mạc viêm đỏ và có thể loét.
IV. CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH LẬU
– Viêm niệu đạo và tuyến Skene ấn vào niệu đạo có mủ chảy ra
– Viêm tuyến Bartholine xuất hiện triệu chứng đau vùng âm hộ, tuyến sưng to ấn có mủ chảy ra từ lỗ tuyến, hay tái phát
– Viêm quanh niệu đạo
– Viêm bàng quang
– Viêm âm hộ kéo dài, viêm phì đại tuyến âm hộ
– Viêm tử cung, nội mạc tử cung, buồng trứng
V. XÉT NGHIỆM
1. Trực tiếp:
– Nhuộm soi trực tiếp: bệnh phẩm là mủ niệu đạo hay dịch cổ tử cung
– Nuôi cấy
2. Gián tiếp:
– Tìm kháng thể kháng lậu bằng kháng thể đơn dòng gắn huỳnh quang
– PCR
– Tìm IgM bằng ELISA để chẩn đoán lậu ngoài đường sinh dục
VI. CHẨN ĐOÁN
1. Chẩn đoán xác định:
– Tiền sử quan hệ tình dục với người bị bệnh,
– Lâm sàng.
– Xét nghiệm:
+ Nhuộm Gram thấy song cầu Gram (-) trong bạch cầu đa nhân trung tính.
+ Nuôi cấy.
+ PCR (Polymerase Chain Reaction) với lậu cầu (+).
2. Chẩn đoán phân biệt: cần chẩn đoán phân biệt với tất cả các nhiễm trùng đường tình dục, bao gồm các bệnh sau:
– Nhiễm Chlamydia trachomatis
– Trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis)
– Nấm Candida
– Viêm niệu đạo – sinh dục do Ureaplasma, Mycoplasma
VII. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị:
– Điều trị đồng thời nhiễm Chlamydia.
– Điều trị sớm
– Điều trị đúng phác đồ
– Điều trị cả bạn tình.
– Tuân thủ chế độ điều trị: không quan hệ tình dục, không uống rượu bia và chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị.
– Xét nghiệm huyết thanh giang mai và HIV trước và sau khi điều trị để phát hiện sàng lọc hai bệnh này.
2. Phác đồ: kháng sinh thường dùng : Cefixim, Ceftriaxon, Spectinomycin; cần phối hợp điều trị với Chlamydia
3. Phòng bệnh:
– An toàn tình dục, sử dụng bao cao su, chung thủy một vợ một chồng.
– Giáo dục truyền thông phòng chống lây nhiễm các bệnh STD trong cộng đồng.
Liên hệ tư vấn và đặt lịch khám chữa bệnh:
Medcare Skin Centre
95/36 Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP.HCM
Điện thoại: (028) 39 700 555
Email: info@medcare.com.vn