Nội dung bài viết
ToggleI. ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH
1. Đặc điểm lâm sàng:
Bệnh giang mai là một bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Bệnh lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Hình ảnh lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh.
1.1 Giang mai thời kỳ thứ nhất:
Các thương tổn thường xuất hiện sau khoảng 3 – 4 tuần bị lây.
Đặc trưng của thời kỳ này là săng (Chancre) giang mai với các biểu hiện:
– Là một vết trợt nông hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ thịt tươi và có nền cứng (vì vậy gọi là “săng cứng”).
– Vị trí của săng: Thường gặp nhất là niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở qui đầu, miệng sáo, bìu,… Ngoài ra săng có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi,…
– Hạch: Hạch vùng bẹn sưng to, thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là “hạch trưởng”.
1.2 Giang mai thời kỳ thứ 2:
Thời kỳ này bắt đầu khoảng 6 – 8 tuần từ khi có săng với các biểu hiện lâm sàng sau đây:
– Ban đào: Các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình.
– Mảng niêm mạc: Hay gặp nhất ở vùng hậu môn, sinh dục.
– Viêm hạch lan tỏa.
– Rụng tóc kiểu “rừng thưa”.
1.3 Giang mai thời kỳ thứ 3
Thời kỳ này bắt đầu vào năm thứ 3 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng sau đây:
– “Gôm” giang mai ở da, cơ, xương.
– Thương tổn tim mạch (giang mai tim mạch).
– Thương tổn thần kinh gây bại liệt (giang mai thần kinh).
Chú ý: Giữa thời kỳ I đến thời kỳ thứ II, giữa thời kỳ II đến thời kỳ III bệnh có thể không có triệu chứng lâm sàng. Đó là giang mai kín và được phát hiện chỉ nhờ xét nghiệm huyết thanh.
2. Chẩn đoán phân biệt:
– Herpes sinh dục.
– Ghẻ.
– Dị ứng thuốc.
– Phát ban do virus.
– Gôm lao.
3. Xét nghiệm:
3.1 Tìm xoắn khuẩn giang mai:
Lấy bệnh phẩm là dịch tiết từ săng, mảng niêm mạc, sẩn, hạch soi kinh hiển vi nền đen để tìm xoắn khuẩn. Hoặc có thể nhuộm Fontana Tribondeau thấy xoắn khuẩn dưới dạng lò xo. Sự có mặt của xoắn khuẩn đặc hiệu cho phép khẳng định chẩn đoán bệnh giang mai.
3.2 Phản ứng huyết thanh
– Phản ứng cổ điển (không đặc hiệu): kết hợp bổ thể (BW) phản ứng lên bông
– Phản ứng đặc hiệu: Phản ứng bất động xoắn khuẩn (TPI), phản ứng miễn dịch huỳnh quang (FTA), phản ứng ngưng kết hồng cầu (TPHA)…
Chú ý: Nếu bị giang mai thần kinh hoặc giang mai tim mạch cần lấy thêm dịch não tủy để làm các xét nghiệm trên.
II. ĐƯỜNG TRUYỀN NHIỄM
– Xoắn khuẩn giang mai có nhiều trong các thương tổn (săng, mảng niêm mạc, hạch, …). Vì vậy rất dễ lây lan nếu quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh.
– Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh của bệnh giang mai tương đối lâu từ 10 ngày đến 90 ngày, trung bình là 3 tuần.
– Thời kỳ lây truyền: Bệnh lây mạnh nhất là thời kỳ thứ nhất và thứ hai khi các thương tổn da và niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn giang mai.
– Tuy rất ít nhưng bệnh giang mai có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn, hoặc lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn).
– Nếu người mẹ có thai bị giang mai mà không được điều trị cũng lây cho thai nhi (giang mai bẩm sinh).
– Đáp ứng miễn dịch trong bệnh giang mai rất yếu do đặc tính kháng nguyên của T. Pallidum. Nguời bị giang mai, điều trị khỏi rồi vẫn bị lại nếu quan hệ tình dục không an toàn.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị:
– Điều trị sớm, đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian qui định.
– Điều trị cả bạn tình.
– Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh cần phải phát hiện kịp thời và điều trị cho người mẹ nếu bị bệnh trong thời kỳ có thai. Cần làm các phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống cho tất cả các phụ nữ có thai.
2. Phác đồ:
Penicicline là kháng sinh được lựa chọn điều trị cho tất cả các loại và các giai đoạn. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với Penicicline, có thể thay thế bằng các kháng sinh khác như Erythromycin, Tetracycline…
3. Phòng bệnh
– Tuyên truyền, giáo dục y tế: Giáo dục lối sống lành mạnh, thủy chung một vợ, một chồng.
– Giáo dục hành vi tình dục an toàn, tình dục có bảo vệ (sử dụng bao cao su).
– Khi phát hiện bị bệnh cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngay, không tự mua thuốc điều trị.