Skip to main content

NHIỄM TRÙNG DA

Da là một lớp bảo vệ quan trọng cho các cơ quan bên trong cơ thể khỏi sự tấn công của vi sinh vật hay tác động từ môi trường. Do tiếp xúc trực tiếp nên da cũng thường gặp phải bệnh lý, trong đó có viêm da nhiễm trùng. Có nhiều dạng viêm da nhiễm trùng với đặc điểm bệnh lý và nguyên nhân khác nhau, cần xác định được nguyên nhân mới có thể điều trị hiệu quả và ngăn ngừa bệnh tái phát.

1. Tại sao bạn bị viêm da nhiễm trùng?

Da bị viêm nhiễm trùng chủ yếu do các vi sinh vật gây hại tấn công, được chia thành các nhóm sau:

  • Viêm da do vi khuẩn: khuẩn tụ cầu, khuẩn liên cầu, khuẩn tụ cầu vàng kháng methicillin,… có thể gây viêm mô tế bào, nhọt, chốc lở, bệnh phong,…
Viêm da nhiễm trùng vùng mặt khá thường gặp
  • Viêm da do virus: virus gây bệnh thường gặp như virus herpes, virus pox, virus papilloma,… gây các bệnh sởi, tay chân miệng, zona thần kinh, mụn cóc, thủy đậu,…
  • Viêm da do nấm: nấm miệng, nấm móng tay, nấm chân,…
  • Viêm da do ký sinh trùng: Ký sinh trùng tấn công da gây bệnh thường gặp như ghẻ, chấy rận, giun móc, các loại ve, demodex,…

Tùy theo tác nhân gây bệnh khác nhau mà triệu chứng người bệnh gặp phải cũng khác nhau. Có 5 loại viêm da nhiễm trùng là: nhiễm trùng bề mặt da, nhiễm trùng đơn giản (chốc, viêm quầng, viêm mô tế bào), nhiễm trùng hoại tử, nhiễm trùng liên quan đến vết cắn của thú vật và nhiễm trùng liên quan đến phẫu thuật và suy giảm miễn dịch.

Viêm da nhiễm trùng xảy ra khi da tiếp xúc trực tiếp với tác nhân gây bệnh, nguy cơ cao hơn ở các vùng da tổn thương hở hoặc da đổ nhiều mồ hôi, quần áo ẩm ướt,…

Viêm da nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ vùng da nào

2. Các dạng viêm da nhiễm trùng thường gặp

Viêm da nhiễm trùng được chia làm 5 loại:

  • Nhiễm trùng bề mặt da.
  • Nhiễm trùng đơn giản.
  • Nhiễm trùng hoại tử.
  • Nhiễm trùng liên quan đến vết cắn thú vật.
  • Nhiễm trùng liên quan đến phẫu thuật và suy giảm miễn dịch.

Theo tác nhân gây bệnh và theo các dạng viêm da nhiễm trùng mà việc lựa chọn thuốc điều trị cũng khác nhau. Đa phần các trường hợp phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng nguyên nhân sẽ cải thiện triệu chứng nhanh chóng, song bệnh ngoài ra nói chung và viêm da nhiễm trùng nói riêng rất dễ tái phát. Để phòng ngừa tái phát, điều quan trọng là xác định nguyên nhân, tác nhân và tránh xa tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.

Dưới đây là các dạng bệnh viêm da thường gặp nhất:

2.1. Nhiễm trùng da MRSA

Dạng viêm nhiễm trùng da này được gọi chung cho nhóm bệnh do vi khuẩn nhưng không thể dùng kháng sinh ngăn chặn được. Những vi khuẩn này đã tấn công gây viêm nặng, hình thành mủ trong mô hoặc các ổ áp xe, cần phải dẫn lưu mủ ra ngoài và không dùng thuốc.

Đối tượng dễ nhiễm bệnh viêm da nhiễm trùng MRSA là người cao tuổi, người thường xuyên tiếp xúc với môi trường bệnh viện hoặc nhân viên chăm sóc y tế. Dạng bệnh này có thể gây tổn thương nặng nên phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.

2.2. Chốc lở

Chốc lở là bệnh viêm da nhiễm trùng do vi khuẩn, vùng da dễ mắc bệnh là cổ, tay hoặc mặt của trẻ em. Nguyên nhân do tổn thương hở (vết cắt, phát ban,…) tiếp xúc với vi khuẩn khi đi học mẫu giáo hoặc nguồn bệnh từ người chăm sóc.

Khác với nhiễm trùng da MRSA, chốc lở có thể điều trị bằng kháng sinh khá hiệu quả, sử dụng dưới dạng thuốc uống, thuốc bôi mỡ hoặc thuốc bôi dạng lỏng.

Chốc lở là dạng viêm da nhiễm trùng do vi khuẩn

2.3. Viêm mô tế bào

Viêm mô tế bào thường khởi phát bằng những vệt đỏ trên da, đi kèm với tình trạng đau nhức, ớn lạnh, sốt vừa đến sốt cao. Tác nhân gây bệnh này cũng là vi khuẩn, song chúng có thể tấn công sâu vào các mô và xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng huyết. Cần phát hiện sớm viêm mô tế bào để kịp thời điều trị bằng kháng sinh IV đường tiêm hoặc đặt thuốc trong tay, cánh tay,…

2.4. Viêm nang lông

Viêm nang lông là dạng viêm da nhiễm trùng rất thường gặp song không nhiều bệnh nhân biết cách xử lý đúng dẫn đến những tổn thương sâu, sẹo vĩnh viễn. Vị trí tổn thương nhiễm trùng ở đây là các nang nằm dưới chân lông, chúng bị viêm, đỏ, gây đau rát và ngứa.

Trong những nang lông này mang theo vi khuẩn và mủ sưng viêm nên nổi bật trên làn da. Một số trường hợp tác nhân gây bệnh là nấm và virus, hầu hết các trường hợp này thường tự khỏi khi vệ sinh và chăm sóc tốt. Song viêm nang lông ở bệnh nhân sức khỏe, sức đề kháng kém có thể nghiêm trọng và lan rộng, lúc này bác sĩ sẽ cần sử dụng đến thuốc kháng sinh hoặc kem chống nấm.

2.5. Nhọt

Nhọt là một dạng viêm da nhiễm trùng gây đau đớn nghiêm trọng, chúng thường bắt đầu với vết sưng đỏ trên da, dần tích tụ mủ lớn cho đến khi vỡ ra. Tác nhân gây bệnh thường do vi khuẩn xâm nhập vào một hoặc nhiều nang lông qua vết thương hở, vết cắt hoặc vết côn trùng cắn.

Cần dẫn chất lỏng ra khỏi nhọt mới có thể giảm đau và trị khỏi bệnh

Để giảm đau, người bệnh có thể dùng khăn ấm đắp nhẹ, nước trong nhọt được thoát ra cũng sẽ bớt gây đau đớn. Tuy nhiên nếu nhọt lớn, bác sĩ phải can thiệp để dẫn chất lỏng ra ngoài.

2.6. Nấm ngoài da

Có nhiều loại nấm có thể tấn công gây viêm, nhiễm trùng da, chúng có thể tồn tại ở bất cứ đâu nhưng phổ biến nhất ở môi trường tập thể không được vệ sinh tốt như: sàn phòng tập, sân chơi,… Triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên là ngứa ngáy, hình thành nốt đỏ sưng đau, đôi khi gây chảy máu,…

Có thể dùng kem chống nấm, thuốc uống hoặc thuốc dạng xịt để điều trị cho bệnh nhân bị nấm ngoài da. Bệnh rất dễ tái phát nên cần điều trị kéo dài kết hợp với phòng ngừa.

2.7. Ký sinh trùng

Ký sinh trùng là các vi sinh vật có kích thước vô cùng nhỏ, chúng có thể xâm nhập từ môi trường hoặc từ người bệnh khác. Do kích thước nhỏ nên chúng có thể chui vào lỗ chân lông, phát triển và đẻ trứng ở đó. Chúng cũng đồng thời gây tổn thương da, dẫn đến đỏ, ngứa, chảy máu, sưng viêm,…

Ký sinh trùng da thường gặp nhất là chấy, chúng gây bệnh ở vùng da có tóc, phổ biến nhất là da đầu và dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, con người cũng có thể bị ký sinh trùng da khác như giun móc, ve,…

Để điều trị viêm da nhiễm trùng do ký sinh trùng, có thể dùng kem dưỡng da, kem bôi hoặc một số loại dầu gội đặc biệt có khả năng tiêu diệt nhanh chóng.

Viêm da do ký sinh trùng có thể trị bằng kem bôi đặc trị

Các bệnh lý da liễu nói chung và viêm da nhiễm trùng nói riêng thường không nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng, song triệu chứng bệnh lại ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và thẩm mỹ. Vì thế bệnh nhân nên chủ động thăm khám và điều trị sớm ngay khi triệu chứng viêm da nhiễm trùng bắt đầu xuất hiện.

VIÊM DA TIẾT BÃ

I. VIÊM DA TIẾT BÃ LÀ GÌ?

Viêm da tiết bã (còn gọi là viêm da dầu), là một thể viêm da mạn tính, tái phát xảy ra ở những vùng giàu tuyến bã (da đầu, mặt, thân trên, vùng nếp). 

Bệnh có thể khởi phát ở tuổi nhũ nhi, dậy thì, và nhiều nhất là từ 20 đến 50 tuổi hoặc lớn hơn. Bệnh phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, và chiếm khoảng 2-5% dân số.

II. NGUYÊN NHÂN

Nấm Malassezia furfur có thể đóng vai trò trong sinh bệnh học của bệnh do bệnh có đáp ứng với ketoconazole và selenium sulfide. Viêm da tiết bã xảy ra chủ yếu ở vùng da có tăng hoạt động của tuyến bã và có sự sản xuất quá mức chất bã, tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng của Malassezia. 

Tuy nhiên bệnh nhân viêm da tiết bã có thể có sự sản xuất chất bã bình thường. Do đó, lượng chất bã được sản xuất không phải là yếu tố nguy cơ quyết định trong biểu hiện bệnh.

III. BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Tổn thương có dạng dát, mảng hoặc sẩn màu đỏ, tróc vảy, đóng mài vàng, giới hạn rõ, có thể kèm ngứa hoặc không .

Các vị trí hay gặp là da đầu, rìa chân tóc, đầu chân mày, nếp mũi má, mang tai, tai và sau tai, vùng lưng trên và trước ngực, các nếp gấp.

Thể nhẹ nhất và phổ biến nhất của viêm da tiết bã ở da đầu là tình trạng gàu, biểu hiện là sự tróc vảy lan tỏa trên da đầu.

Thể nặng biểu hiện là những mảng hồng ban viêm, bề mặt tróc vảy nhờn, ngả vàng.

Viêm da tiết bã da đầu: Tình trạng tróc vảy mịn, lan tỏa trên da đầu
Da mặt đỏ và tróc vảy, tập trung ở nếp mũi má và vùng trung tâm của mặt
Sang thương ở sau tai

IV. CHẨN ĐOÁN VÀ CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

Chẩn đoán viêm da dầu thường dựa trên hình ảnh lâm sàng và vị trí của sang thương. 

Các chẩn đoán phân biệt bao gồm:

  • Vảy nến
  • Trứng cá đỏ
  • Lang ben
  • Vảy phấn hồng
  • Nấm thân
  • Giang mai thứ phát
  • Lupus ban đỏ
  • Pemphigus lá

Các tình trạng này có để phân biệt dựa trên lâm sàng và/hoặc các xét nghiệm và mô học

V. ĐIỀU TRỊ

1. Da đầu:

Ở những bệnh nhân viêm da tiết bã da đầu thể nhẹ, không viêm, có thể sử dụng các loại dầu gội chứa các thành phần kháng nấm (ketoconazole 2%, ciclopirox 1%). Các loại dầu gội kháng nấm khác trên thị trường có thể dùng mà không cần bác sĩ kê toa bao gồm kẽm pyrithione 1% và selenium sulfide 2.5%. Nên dùng các loại dầu gội này hàng ngày hoặc ít nhất 2 đến 3 lần mỗi tuần tới khi lui bệnh

Ở những bệnh nhân bị viêm da dầu ở da đầu mức độ trung bình đến nặng, nên dùng các loại dầu gội kháng nấm (ví dụ ketoconazole 2%) kết hợp với thoa corticosteroid hoạt lực cao. Corticosteroid thoa nên được dùng một lần mỗi ngày, kéo dài 2 đến 4 tuần.

2. Mặt:

Ở những bệnh nhân viêm da tiết bã ở mặt, nên dùng corticosteroid thoa hoạt lực thấp (nhóm 6 hoặc 7), các thuốc kháng nấm dạng thoa (kem ketoconazole 2%, các loại kem azole khác, hoặc  kem ciclopirox 1%) hoặc kết hợp cả 2. Các thuốc ức chế calcineurin thoa (tacrolimus 0.1% dạng mỡ và pimecrolimus 1% dạng kem) có thể dùng thay thế cho corticosteroid thoa ở những trường hợp viêm da tiết bã ở mặt. Các thuốc này được thoa lên vùng bệnh 1 hoặc 2 lần mỗi ngày cho tới khi lui bệnh.

Ở các bệnh nhân nam bị viêm da dầu ở mặt mà có râu hoặc ria, nên rửa mặt với ketoconazole 2%. Dầu gội được dùng hàng ngày cho tới khi lui bệnh và sau đó một lần mỗi tuần. Corticosteroid hoạt lực thấp có thể thêm vào điều trị ban đầu để kiểm soát tình trạng viêm và ngứa.

3. Thân và vùng nếp

Ở những bệnh nhân viêm da dầu ở thân và vùng nếp, nên dùng kem bôi corticosteroid hoạt lực thấp (nhóm 6 hoặc 7), các thuốc kháng nấm bôi hoặc kết hợp cả 2. Corticosteroid thoa hoạt lực trung bình (nhóm 4 hoặc 5) có thể dùng cho viêm da tiết bã ở ngực hoặc vùng lưng trên. Thuốc được thoa vào vùng bệnh 1 hoặc 2 lần mỗi ngày cho đến khi lui bệnh.

VI. ĐIỀU TRỊ DUY TRÌ

Ở phần lớn bệnh nhân viêm da dầu, việc dùng gián đoạn thuốc thoa có thể giúp phòng ngừa tái phát:

  • Dầu gội ketoconazole 2% hoặc dầu gội ciclopirox 1% một lần mỗi tuần cho viêm da tiết bã ở da đầu
  • Dầu gội ketoconazole 2% (dùng để rửa mặt hoặc tắm thân) hoặc kem ketoconazole 2%, các kem azole khác, hoặc kem ciclopirox 1% một lần mỗi tuần cho viêm da dầu ở mặt, thần và các vùng nếp.

VIÊM NANG LÔNG DO VI KHUẨN

I. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ:

Viêm nang lông là sự xâm nhập của các tế bào viêm vào thành và trong nang lông, tạo thành ổ mủ ở nang lông. Bệnh gặp ở bất kỳ chủng tộc nào, tỷ lệ nam nữ tương đương và xuất hiện ở mọi lứa tuổi.

Các nguyên nhân thường gặp: tụ cầu vàng (S. aureus) là nguyên nhân phổ biến nhất, trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa)…

Các yếu tố nguy cơ: viêm mũi họng mạn tính, bít tắc nang lông, tiết nhiều mồ hôi, bệnh lý da có sẵn, dùng thuốc corticoid tại chỗ, dùng thuốc kháng sinh kéo dài…

II. Đặc điểm lâm sàng:

Viêm nang lông thường gây ra triệu chứng khó chịu cho người bệnh như : vùng da viêm bị ngứa, có thể sần sùi, nổi nhiều nốt đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn lại bên trong. Nốt đỏ không lớn nhưng dày đặc gây thiếu thẩm mỹ và ảnh hưởng tới sinh hoạt bình thường của người mắc chứng bệnh này.

Sau khi những nốt đỏ được hình thành và gây ngứa, viêm nang lông – viêm lỗ chân lông sẽ chuyển qua giai đoạn mụn nước có mủ trắng ở đầu, khi sờ vào thì thấy đau và nhức, các mụn nước vỡ ra sẽ đóng vẩy làm khô da. Mụn mủ thường mọc thành từng đợt, sau 7-10 ngày sẽ khỏi nhưng có thể để lại nốt thâm trên da.

Trong một số trường hợp, bệnh diễn biến dai dẳng trở thành mạn tính. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nang lông sẽ phát triển thành nhọt, cụm nhọt, ổ gà, đinh râu gây đau nhức và nhiều phiến toái cho người bệnh. Trên thực tế, viêm nang lông không phải là khó chữa trị nếu được dùng thuốc thích hợp và kịp thời.

III. Điều trị:

Với những trường hợp viêm nông, nhẹ, bệnh thường thuyên giảm tự nhiên. Với những trường hợp viêm sâu, thương tổn sẩn, mủ nhiều hay không tự thuyên giảm sau vài tuần thì cần điều trị.

Tùy theo độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân để điều trị.

Bệnh dễ tái phát và hay gặp ở người có thói quen mặc quần áo chật, nang lông bít tắc, tăng tiết mồ hôi…Do vậy, biện pháp phòng tránh là mặc quần áo rộng rãi, giữ cơ thể khô thoáng, dùng kháng sinh tại chỗ trong lỗ mũi ngoài ở những người mang tụ cầu ở mũi hay tắm hàng ngày bằng xà phòng thuốc đặc trị.

UNG THƯ DA

Ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất và thường phát triển ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là người lao động ngoài trời, vận động viên, người tắm nắng và có tương quan nghịch với lượng sắc tố melanin da; người da trắng thường dễ nhạy cảm nhất. Các bệnh ung thư da cũng có thể phát triển trong nhiều năm sau khi chụp X-quang hoặc tiếp xúc với chất gây ung thư (ví dụ như ăn uống asen).

Hơn 5,4 triệu trường hợp ung thư da được chẩn đoán trong hơn 3,3 triệu người ở Mỹ hàng năm.

Các dạng ung thư da phổ biến nhất là

  • Ung thư biểu mô tế bào đáy (khoảng 80%)
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy (khoảng 16%)
  • Ung thư tế bào sắc tố (khoảng 4%)

Các dạng ung thư da ít phổ biến hơn

  • Bệnh Paget của núm vú hoặc bệnh Paget ngoài vú (thường là gần hậu môn)
  • Kaposi sarcoma
  • Ung thư biểu mô tế bào Merkel
  • Bệnh fibroxanthoma không điển hình
  • Khối u phần phụ
  • U lympho tế bào T ở da (u sùi dạng nấm)

Bệnh Bowen là một tế bào ung thư biểu mô tế bào vảy. Keratoacanthoma có thể là một dạng khác biệt của ung thư biểu mô tế bào vảy.

Ban đầu, ung thư da thường không triệu chứng. Dạng thương tổn hay gặp nhất là một thương tổn màu đỏ hoặc màu sắc không đều không biến mất. Bất kỳ tổn thương nào có vẻ như to ra sẽ được sinh thiết – liệu có mềm, viêm nhẹ, có vảy tiết, hoặc xuất huyết đôi khi có hay không. Nếu được điều trị sớm, hầu hết các bệnh ung thư da đều có thể chữa được.

Nốt ruồi bất thường có thể là dấu hiệu ung thư da

Bạn cần thận trọng và đến gặp bác sĩ khi: Trên da có nốt ruồi phát triển thành đốm nâu thẫm đi cùng các vết lốm đốm có màu đậm hơn. Nốt ruồi vốn có bỗng dưng thay đổi màu sắc hoặc kích thước. Khi chạm vào thấy cảm giác khác thường hoặc bị chảy máu ở nốt ruồi

Nốt ruồi đột nhiên thay đổi có khi là dấu hiệu của một khối u hắc tố ác tính. Vì vậy, bạn hãy thường xuyên kiểm tra xem nốt ruồi có các dấu hiệu bị ung thư da nào sau đây hay không:

  • A (Asymmetric): Có tính bất đối xứng, méo mó
  • B (Border irregularity): Bờ không đều hoặc lan tràn
  • C (Color variegation): Màu sắc không đồng nhất
  • D (Diameter): Đường kính lớn hơn 0,5 cm
  • E (Enlargement hoặc Evolution): Lan rộng hay tiến triển.

Phòng ngừa

Bởi vì nhiều bệnh ung thư da dường như liên quan đến tiếp xúc với tia tử ngoại (UV), có một số biện pháp được khuyến cáo để hạn chế phơi nhiễm.

  • Tránh nắng: Tìm kiếm bóng râm, giảm thiểu các hoạt động ngoài trời từ 10 AM và 4 PM (khi tia mặt trời mạnh nhất) và tránh tắm nắng và sử dụng giường tắm nắng
  • Sử dụng quần áo bảo hộ: Áo sơ mi dài tay, quần dài và mũ rộng
  • Sử dụng kem chống nắng: Ít nhất yếu tố bảo vệ nắng (SPF) là 30 với bảo vệ UVA/UVB phổ rộng, được sử dụng theo chỉ dẫn (tức là dùng lại sau 2 giờ và sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi); không nên được sử dụng để kéo dài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Bằng chứng hiện tại không đủ để xác định liệu những biện pháp này có làm giảm tỷ lệ tử vong của ung thư sắc tố; trong ung thư da không sắc tố (ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy), chống nắng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư mới.

VIÊM DA CƠ ĐỊA

Viêm da cơ địa là một bệnh về da làm cho da đỏ và ngứa. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em. Viêm da cơ địa là bệnh mãn tính và có thể đi kèm các cơn hen suyễn hoặc dị ứng phấn hoa.

1. Chẩn đoán viêm da cơ địa

Chẩn đoán viêm da cơ địa chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và tiền sử gia đình.

  • Ngứa khu vực bị viêm;
  • Viêm da mãn tính và tái phát nhiều lần;
  • Hình thái và vị trí tổn thương điển hình: Ở trẻ em, chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi; ở trẻ lớn và người lớn, da dày sừng, lichen ở vùng nếp gấp;
  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã từng điều trị viêm da cơ địa dị ứng, hen, viêm mũi dị ứng;
  • Các triệu chứng lâm sàng khác như: Khô da, viêm môi, viêm kết mạc mắt và kích thích ở mắt tái phát nhiều lần, màu sắc trên mặt đỏ hoặc tái, bị dị ứng thức ăn, chàm ở lòng hoặc mu bàn tay, IgE tăng, phản ứng da tức thì týp 1 dương tính, vẩy trắng;

2. Điều trị viêm da cơ địa

Dưới đây là các cách phòng ngừa và điều trị viêm da cơ địa tại nhà cũng như phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

2.1 Điều trị tại nhà

Trước khi khám hoặc uống thuốc, có một số cách điều trị viêm da cơ địa tại nhà giúp làm giảm triệu chứng như sau:

  • Tắm nước ấm: Có thể pha thêm một ít bột baking soda hoặc yến mạch xay nhỏ vào với nước ấm, ngâm mình trong 10 – 15 phút rồi lau khô cơ thể, dùng kem dưỡng ẩm ngay sau đó;
  • Không gãi khu vực bị ngứa: Có thể sử dụng đầu ngón tay ấn nhẹ vào khu vực bị ngứa để làm giảm cảm giác khó chịu;
  • Sử dụng băng cá nhân: Băng khu vực ngứa sẽ giúp bảo vệ da và hạn chế việc gãi làm tổn thương da;
  • Sử dụng xà phòng dịu nhẹ: Xà phòng không mùi và không chất tẩy sẽ tránh làm cho da bị kích ứng. Sau khi sử dụng xà phòng, nên rửa vùng da tiếp xúc với xà phòng thật sạch;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Môi trường với nhiệt độ nóng ẩm có thể khiến vùng da bị ngứa và tróc nặng thêm. Do đó, sử dụng máy tạo độ ẩm kết hợp với điều hòa để không khí trong nhà mát mẻ và đủ ẩm hơn;
  • Mặc quần áo thoải mái: Trong điều trị viêm da cơ địa, cần giảm kích ứng da bằng cách tránh mặc quần áo chật và cứng. Thay vào đó, hãy chọn những trang phục mềm mại và thấm hút mồ hôi tốt;
  • Tránh căng thẳng và lo lắng: Stress và các rối loạn về mặt tâm lý có thể khiến chứng viêm da cơ địa nặng thêm. Do vậy, cải thiện sức khỏe tâm lý sẽ giúp giảm bớt tình trạng ngứa da.

2.2 Sử dụng thuốc

Điều trị viêm da cơ địa cần phải bắt đầu sớm. Nếu dưỡng ẩm thường xuyên và tự chăm sóc da tại nhà không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bao gồm thuốc uống, thuốc bôi hoặc thậm chí là thuốc chích để giúp giảm viêm và bớt ngứa:

  • Kem bôi giảm ngứa và giúp mau lành da: Kem hoặc thuốc dạng mỡ có chứa corticosteroid giúp kháng khuẩn và giảm ngứa. Hãy thoa kem theo chỉ dẫn của bác sĩ sau khi dưỡng ẩm. Tác dụng phụ của việc sử dụng quá mức các loại kem này là có thể làm mỏng da, do đó, chỉ nên dùng đúng chỉ định của bác sĩ. Các thuốc như Protopic và Elidel có thể được dùng điều trị viêm da cơ địa ở trẻ trên 2 tuổi, khi thoa thuốc (theo hướng dẫn của bác sĩ) cần tránh ánh nắng mạnh;
  • Thuốc chống nhiễm trùng: Kem kháng sinh được dùng khi da bị nhiễm khuẩn, vết thương hở hoặc nứt. Người bệnh cũng có thể sẽ phải uống kháng sinh trong một thời gian ngắn để chữa nhiễm trùng;
  • Thuốc uống: Với những trường hợp nặng hơn, thuốc corticosteroid đường uống như thuốc Prednisone sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, tuy nhiên có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng lâu dài.

2.3 Các liệu pháp điều trị

Ngoài sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định, một số liệu pháp sau có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm da cơ địa:

  • Băng thuốc: Với những trường hợp nặng, băng thuốc là cách điều trị hiệu quả và chuyên sâu. Liệu pháp này thường được thực hiện ở bệnh viện, đó là băng vùng bị viêm bằng corticosteroid dạng bôi và băng ướt;
  • Liệu pháp ánh sáng: Với những trường hợp bệnh không đáp ứng thuốc bôi hoặc bệnh thường hay tái phát, sẽ áp dụng liệu pháp ánh sáng, đó là phơi da dưới ánh sáng tự nhiên nhất định. Một số dạng khác của liệu pháp này là sử dụng tia UVA và UVB nhân tạo, có thể kết hợp với thuốc điều trị viêm da cơ địa. Tuy nhiên, nếu sử dụng liệu pháp này lâu dài có thể gặp tác dụng phụ bao gồm lão hóa da sớm và cũng làm tăng nguy cơ ung thư da. Do đó, liệu pháp ánh sáng hạn chế sử dụng ở trẻ nhỏ và tuyệt đối không được dùng cho trẻ sơ sinh;
  • Liệu pháp tâm lý: Các liệu pháp giúp thư giãn, sửa đổi hành vi và phản hồi sinh học có thể giúp hạn chế tình trạng gãi.

Bên cạnh đó, để ngừa bệnh bùng phát và giúp cải thiện tình trạng khô da, có thể áp dụng các cách sau:

  • Dưỡng ẩm cho da: Bôi kem dưỡng ẩm phù hợp với da ít nhất hai lần một ngày;
  • Tránh và hạn chế các tác nhân có hại cho da: Các tác nhân như mồ hôi, lo lắng, căng thẳng, thừa cân, béo phì, tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa quá mạnh, khói bụi và phấn hoa có thể làm bệnh viêm da cơ địa nặng thêm. Lưu ý, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể bị viêm da cơ địa khi ăn một số loại thực phẩm như trứng, sữa, đậu nành và lúa mì;
  • Hạn chế tắm quá lâu: Tắm nước ấm trong khoảng thời gian 10 – 15 phút là hợp lý;
  • Sử dụng xà phòng có tính chất dịu nhẹ: Hãy chọn những loại xà phòng có tính dịu nhẹ với làn da. Những loại xà phòng có chất khử mùi và kháng khuẩn có thể khiến da bị khô do làm mất một lượng dầu tự nhiên trên da;
  • Lau khô người thật kỹ sau khi tắm: Sau khi tắm, nhẹ nhàng dùng khăn mềm vỗ nhẹ lên da để thấm nước, tránh cọ xát khăn với da quá mạnh.

HẠ CAM MỀM

1. Bệnh hạ cam mềm là bệnh gì?

Đây là một bệnh lý nhiễm trùng lây lan qua đường sinh dục, có tính chất tương tự như bệnh herpes sinh dục và giang mai. Bệnh hạ cam mềm là yếu tố nguy cơ của lây nhiễm HIV.

2. Nguyên nhân bệnh Hạ cam mềm

Bệnh hạ cam mềm do vi khuẩn Haemophilus ducreyi tấn công vào mô và tạo ra vết loét ở trên hoặc gần cơ quan sinh dục ngoài. Tại những vết loét này có thể chảy máu hoặc chảy dịch làm lây nhiễm khi quan hệ tình dục đường miệng, hậu môn hay âm đạo.

3. Triệu chứng bệnh Hạ cam mềm

Bệnh hạ cam mềm có các triệu chứng khác nhau giữa nam và nữ, thường có biểu hiện bệnh sau từ 1 đến nhiều tuần kể từ khi quan hệ tình dục.

  • Đối với nam giới thường có biểu hiện là các nốt nhỏ có màu đỏ ở vùng sinh dục rồi phát triển thành vết loét trong vòng một đến hai ngày tại dương vật và bìu;
  • Đối với nữ giới biểu hiện là có 4 nốt đỏ hoặc nhiều hơn ở môi lớn, giữa môi lớn và hậu môn hoặc ở đùi. Khi Nốt đỏ loét ra sẽ gây cảm thấy đau rát khi đi tiểu và đại tiện.

Ở cả 2 giới có thể có các triệu chứng sau: loét có kích thước khác nhau ở bất cứ nơi nào, đường kính từ 5cm; Bờ vết loét rõ, xói mòn và không cứng, nền vết loét phủ bởi dịch tiết mủ hoại tử màu vàng hoặc xám, dưới là tổ chức hạt mủ, dễ chảy máu; vết loét dễ chảy máu khi chạm; có thể đau trong khi giao hợp hoặc khi đi tiểu; vùng háng bị sưng; xuất hiện hạch bẹn sưng to có thể tạo ổ mủ loét ra da.

Khi có các dấu hiệu của bệnh hạ cam mềm hoặc khi đã quan hệ tình dục với người mắc bệnh, quan hệ với bạn tình có nguy cơ cao mắc bệnh cần gặp ngay bác sĩ đề được điều trị kịp thời.

4. Đường lây truyền bệnh Hạ cam mềm

Bệnh hạ cam mềm có thể lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với người bị bệnh.

5. Đối tượng nguy cơ bệnh Hạ cam mềm

Bệnh hạ cam mềm có nguy cơ ảnh hưởng đối với cả nam và nữ, không phân biệt tuổi tác. Tuy nhiên, đặc biệt những người quan hệ tình dục không an toàn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, những người sinh sống ở chế độ chăm sóc sức khỏe, thức ăn, nhà cửa, nguồn nước thấp.

6. Phòng ngừa bệnh Hạ cam mềm

Để phòng ngừa bệnh hạ cam mềm, có thể áp dụng các biện pháp sau: giới hạn số lượng bạn tình và quan hệ tình dục an toàn; tránh các hành vi nguy cơ cao dẫn đến bệnh hạ cam mềm hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác; thông báo cho bạn tình biết nếu bạn bị bệnh để họ được khám và điều trị.

7. Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hạ cam mềm

Cận lâm sàng chẩn đoán hạ cam mềm như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh, trước hết có thể thông qua kết quả khám lâm sàng các vết loét, khám hạch bẹn sưng và loại trừ các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Ngoài ra bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng những thông tin thu thập được từ việc lấy mẫu dịch từ vết loét. 

8. Các biện pháp điều trị bệnh Hạ cam mềm

Để điều trị bệnh hạ cam mềm, có thể sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật.

Về thuốc, có thể sử dụng thuốc kháng sinh để giúp làm lành vết thương nhanh chóng và để lại ít sẹo. Các loại kháng sinh như ceftriaxone và azithromycin còn giúp giảm nguy cơ bị sẹo và làm lành vết loét;

Về phẫu thuật, là phương pháp dùng để dẫn lưu ổ mủ ở hạch bẹn bằng kim giúp giảm tình trạng sưng và đau cũng như làm lành vết loét nhưng có thể để lại sẹo.

9. Bệnh hạ cam có nguy hiểm không?

Vết loét do bệnh hạ cam để lại có thể lành không để lại sẹo, tuy nhiên nếu không điều trị sẽ dẫn đến sẹo vĩnh viễn ở cơ quan sinh dục nam và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng ở nữ.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh như: rò đường tiểu, sẹo ở bao quy đầu. Ngoài ra, những bệnh nhân đã chẩn đoán mắc bệnh hạ cam cần thiết phải thăm khám, chẩn đoán nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: HIV, giang mai… để có phương pháp điều trị kịp thời.

U MỀM LÂY (MOLLUSCUM CONTAGIOSUM) 

I. NGUYÊN NHÂN

Bệnh do virus Molluscum contagiosum (MCV) gây ra, đây là một loại poxvirus thường gây nhiễm trùng khu trú ở da. 

II. DỊCH TỄ HỌC VÀ LÂY TRUYỀN

U mềm lây thường gặp ở trẻ em nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh. Virus có thể lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đồ vật. U mềm lây ở vùng sinh dục có thể do lây qua đường tình dục. Thời gian ủ bệnh của u mềm lây được ước tính khoảng từ 2-6 tuần sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. 

III. ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG

U mềm lây thường biểu hiện là một hoặc nhiều sẩn nhỏ, màu da với rốn lõm trung tâm. 

Người bệnh bị ức chế miễn dịch tăng nguy cơ có những sang thương kích thước lớn hơn và tình trạng bệnh lan rộng hơn. 

Trẻ bị u mềm lây ở mặt
U mềm lây ở vùng sinh dục

IV. CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán u mềm lây chủ yếu dựa trên đặc điểm của sang thương da trên lâm sàng. Có thể thực hiện sinh thiết da để xác định chẩn đoán nếu cần. Mô học của u mềm lây cho thấy các thể vùi ái toan trong bào tương của các tế bào sừng. 

V. KHI NÀO CẦN ĐIỀU TRỊ?

U mềm lây thường tự giới hạn ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường và có thể cân nhắc không cần điều trị. Nhìn chung, u mềm lây ở vùng sinh dục nên được điều trị do nguy cơ lây truyền qua đường tình dục. 

Hiện tượng viêm của u mềm lây là thường gặp và có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh sắp bước vào giai đoạn thoái triển. Không nên nhầm lẫn tình trạng viêm với tình trạng nhiễm trùng. 

VI. ĐIỀU TRỊ

Không có nhiều nghiên cứu có mức độ chứng cứ cao trong điều trị u mềm lây: 

1. Điều trị ưu tiên:

Khi muốn điều trị thử, nên dùng áp lạnh (cryotherapy), nạo, dùng cantharidin hoặc podophyllotoxin. Tránh dùng cantharidin ở vùng sinh dục. Tính hiệu quả và an toàn của podophyllotoxin trong điều trị u mềm lây ở trẻ em chưa được xác định chắc chắn. 

Phương pháp áp lạnh có thể gây mất sắc tố rõ ở những bệnh nhân có màu da sậm. Lợi ích và nguy cơ của phương pháp trên nên được cân nhắc cẩn thận ở những đối tượng này. 

2. Các phương pháp điều trị khác:

Imiquimod, KOH, salicylic acid, và các loại retinoids thoa cũng đã được sử dụng trong điều trị u mềm lây. Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng để ủng hộ cho việc đưa các thuốc này vào trong khuyến cáo sử dụng để điều trị thường quy. 

Hiệu quả của cimetidine trong điều trị u mềm lây không rõ ràng. Không nên dùng cimetidine như phương pháp điều trị hàng đầu trong u mềm lây. 

VII. BỆNH NHÂN SUY GIẢM MIỄN DỊCH:

Các bệnh nhân suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh lan rộng và dai dẳng. Có thể quan sát được sự cải thiện tình trạng bệnh ở những bệnh nhân HIV sau khi khởi động điều trị thuốc kháng virus. 

VIII. KHI NÀO CÓ THỂ TRỞ LẠI TRƯỜNG HỌC?

Không cần bắt trẻ bị bệnh phải nghỉ học. Các sang thương nên được che lại bằng vải hay băng gạc để giảm nguy cơ lây nhiễm cho những trẻ khác.

CÁC NGUYÊN NHÂN RỤNG TÓC VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Rụng tóc là tình trạng xảy ra khi số lượng tóc rụng đi nhiều hơn số tóc mọc hàng ngày. Nhiều trường hợp rụng tóc nhiều là do tóc không tiếp tục phát triển, dẫn đến hói đầu, thường xảy ra ở nam. Để chữa rụng tóc, có thể dùng thuốc, liệu pháp cấy tóc hoặc liệu pháp laser.

1. Ai là đối tượng dễ bị rụng tóc?

Rụng tóc có thể chỉ ảnh hưởng đến phần da đầu hoặc toàn bộ cơ thể (rụng lông). Nguyên nhân gây rụng tóc nhiều thường là do di truyền, thay đổi nội tiết tố, bệnh lý hoặc tác dụng không mong muốn của thuốc. Bất cứ ai cũng có thể bị rụng tóc. Tuy nhiên rụng tóc nam thường hay gặp hơn so với rụng tóc nữ.

Những đối tượng sau đây thường có nguy cơ cao bị rụng tóc, bao gồm:

  • Trong gia đình có người bị hói đầu, có thể là họ hàng bên bố hoặc mẹ;
  • Tuổi tác cao;
  • Giảm cân nhanh;
  • Mắc một số bệnh lý nhất định, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và lupus da;
  • Gặp nhiều căng thẳng.

Di truyền là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng rụng tóc dẫn đến hói đầu.

Một số người thích để cho hiện tượng rụng tóc của họ diễn ra tự nhiên, không điều trị và cũng không tìm cách che giấu chúng. Những người khác có thể che đi phần đầu hói bằng tóc giả, vật trang trí, mũ hoặc khăn quàng cổ. Tuy nhiên, rất nhiều người khác chọn một trong những phương pháp điều trị để ngăn ngừa rụng tóc và phục hồi sự phát triển của tóc.

Trước quyết định điều trị rụng tóc, hãy thăm khám với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây rụng tóc và các lựa chọn điều trị phù hợp.

2. Nguyên nhân gây rụng tóc

Một người bình thường mất dưới 100 sợi tóc mỗi ngày, song điều này thường không gây ảnh hưởng đáng kể bởi vì tóc mới sẽ mọc lên song song. Như vậy, rụng tóc xảy ra khi chu kỳ mọc tóc này bị gián đoạn hoặc khi nang lông bị phá hủy và thay thế bằng mô sẹo, khiến cho lượng tóc rụng nhiều hơn lượng tóc mọc hàng ngày.

Rụng tóc thường liên quan đến một hoặc nhiều yếu tố sau đây:

  • Tiền sử gia đình (di truyền): Nguyên nhân phổ biến nhất của rụng tóc nam là di truyền, gây ra hói đầu. Đôi khi nguyên nhân này cũng gặp ở một số trường hợp rụng tóc nữ. Tình trạng này thường xảy ra song song với lão hóa và gần như có thể dự đoán được hình thái của tóc qua thời gian (xuất hiện các đốm hói đối với rụng tóc nam và tóc mỏng dần đối với rụng tóc nữ);
  • Thay đổi nội tiết tố và bệnh lý: Một loạt các rối loạn liên quan đến hormone có thể gây rụng tóc vĩnh viễn hoặc tạm thời, bao gồm thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, sinh nở, mãn kinh và các vấn đề về tuyến giáp. Những nguyên nhân từ bệnh lý bao gồm bệnh rụng tóc từng vùng (alopecia areata), nhiễm trùng da đầu như khi nhiễm giun đũa và một hội chứng gọi là “nghiện giật tóc” (trichotillomania);
  • Thuốc và chất bổ sung: Rụng tóc có thể gây ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc trị ung thư, viêm khớp, trầm cảm, thuốc dùng trong bệnh tim, huyết áp cao và thuốc trị gout;
  • Xạ trị lên phần đầu: Tóc có nguy cơ không thể mọc lại như trước;
  • Căng thẳng: Nhiều người gặp tình trạng tóc rụng nhiều sau khi nhận một cú sốc về thể chất hoặc tinh thần. Loại này chỉ xuất hiện tạm thời;

Một số kiểu tóc và phương pháp điều trị: Những kiểu “làm tóc” lạ hoặc thắt tóc quá chặt, chẳng hạn như thắt bím tóc hoặc thắt tóc kiểu cornrow (tóc dính sát da đầu kiểu hình hạt bắp) có thể là nguyên nhân gây rụng tóc. Ngoài ra, việc áp dụng những phương pháp điều trị trên tóc (như dùng dầu nóng) tiến hành lâu dài có thể gây viêm nang lông, dẫn đến rụng tóc. Nếu để xảy ra sẹo, có thể rụng tóc vĩnh viễn.

3. Phương pháp chữa rụng tóc

Hiện nay, đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho tình trạng rụng tóc ở cả nam và nữ. Bạn hoàn toàn có thể đảo ngược chứng rụng tóc hoặc ít nhất là làm chậm tiến trình này. Với một số bệnh lý, chẳng hạn như rụng tóc từng vùng, tóc có thể mọc lại mà không cần điều trị gì trong vòng một năm.

Phương pháp điều trị rụng tóc bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật để kích thích mọc tóc và làm chậm rụng tóc

3.1. Sử dụng thuốc

Nếu rụng tóc do một căn bệnh tiềm ẩn nào đó gây ra, việc chẩn đoán và chữa trị bệnh lý đó là điều cần thiết. Quá trình điều trị có thể bao gồm các loại thuốc để giảm viêm và ức chế hệ miễn dịch của bệnh nhân, chẳng hạn như thuốc prednisone. Nếu một loại thuốc nào đó có khả năng gây rụng tóc, bác sĩ sẽ khuyên bạn ngừng sử dụng thuốc trong ít nhất ba tháng.

Các thuốc điều trị hói đầu (do di truyền) bao gồm:

  • Minoxidil: Đây là một loại thuốc không kê đơn được phê duyệt trong điều trị rụng tóc nam và nữ. Thuốc ở dưới dạng chất lỏng hoặc bọt, bôi lên da đầu hàng ngày. Lúc đầu, thuốc có thể khiến bạn rụng tóc. Tóc mới có thể ngắn và mỏng hơn tóc cũ. Tuy nhiên, bệnh nhân cần kiên trì ít nhất 6 tháng điều trị để ngăn ngừa rụng tóc và để tóc bắt đầu mọc lại. Bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc Minoxidil để duy trì lợi ích chữa rụng tóc;
  • Finasteride: Đây là một thuốc cần được bác sĩ kê đơn, được phê duyệt dành cho trường hợp rụng tóc nam. Dạng dùng của thuốc là dạng viên. Finasteride có tác dụng làm tóc rụng chậm hơn với phần lớn nam giới, thậm chí một số người còn nhận thấy có sự kích thích mọc tóc mới. Thuốc này có thể không mang lại hiệu quả rõ rệt cho nam giới trên 60 tuổi. Bệnh nhân cần dùng thuốc Finasteride liên tục để duy trì lợi ích chữa rụng tóc;
  • Các loại thuốc khác tùy trường hợp: Đối với nam giới bị rụng tóc, thuốc uống dutasteride là một lựa chọn phù hợp. Đối với phụ nữ bị rụng tóc, điều trị với thuốc tránh thai và spironolactone có thể ngăn ngừa rụng tóc. Thuốc Prostaglandin đã được chứng minh giúp tóc mọc khỏe và cả giúp cho lông mày, lông mi phát triển tốt.

3.2. Phẫu thuật cấy tóc

Trong trường hợp bệnh nhân bị rụng tóc vĩnh viễn và thường chỉ có đỉnh đầu bị ảnh hưởng, kỹ thuật cấy tóc hoặc phẫu thuật phục hồi có thể tận dụng tối đa phần tóc còn lại của bệnh nhân.

Trong quá trình cấy tóc, bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ lấy ra những mảng da đầu nhỏ (mỗi mảng chứa từ một đến vài sợi tóc) ở phía sau đầu hoặc vùng quanh đầu của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ thực hiện cấy nang tóc vào phần hói ở đỉnh đầu. Một số bác sĩ khuyên dùng Minoxidil sau khi cấy ghép để giúp giảm thiểu tình trạng rụng tóc. Đôi khi người bệnh phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Mặc dù đã được cấy tóc, hiện tượng rụng tóc do di truyền vẫn sẽ xảy ra. Các kỹ thuật để điều trị hói đầu thường khá tốn kém và gây đau đớn. Rủi ro xảy ra bao gồm chảy máu và để lại sẹo.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả của rụng tóc

Nếu đã bị rụng tóc nhiều và muốn khắc phục hậu quả của tình trạng này có thể dùng các sản phẩm hỗ trợ, chẳng hạn như khăn quàng cổ hoặc tóc giả. Trao đổi thêm với một nhà tạo mẫu tóc để lên ý tưởng cho “mái tóc mới” của bạn. Những giải pháp phi y học này có thể được áp dụng trong quá trình điều trị rụng tóc lâu dài.

Khi nhận thấy tóc rụng nhiều thì cần đi thăm khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân, khi đó mới có thể tìm cách cải thiện hoặc chữa trị phù hợp. Khi chưa xác định được nguyên nhân gây rụng tóc, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trị nấm, thuốc bôi ngoài da hoặc các thuốc chữa rụng tóc không rõ nguồn gốc.

BỆNH BẠCH BIẾN

Bạch biến là bệnh da mất sắc tố thường gặp, điều trị gặp nhiều khó khăn, gây mất thẩm mỹ và từ đó ảnh hưởng đến tâm sinh lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

I. Lâm sàng

Biểu hiện của bệnh là những đốm, mảng da trắng bất thường do bị mất màu da, có thể ở bất cứ vùng nào trên cơ thể nhưng thường gặp là ở quanh các lỗ tự nhiên (mắt, mũi, miệng, rốn và bộ phận sinh dục) và những vị trí dễ bị chấn thương như cùi chỏ, đầu gối.

II. Nguyên nhân

Bệnh xảy ra do những tế bào tạo màu sắc chính cho da (gọi là hắc tố bào) bị biến mất hoặc bị phá hủy.

Sự phá hủy này được y học giải thích với nhiều giả thuyết khác nhau bao gồm gene di truyền, tự miễn dịch, các stress oxy hóa, tự nhiễm độc hoặc thần kinh…

III. Xét nghiệm

Việc chẩn đoán bệnh tương đối dễ dàng chỉ bằng mắt thường, nên các xét nghiệm nhằm chẩn đoán bệnh ít khi được tiến hành, trừ khi cần đánh giá sức khỏe người bệnh trước khi can thiệp một số phương pháp điều trị.

IV. Điều trị

Tùy vị trí, diện tích da bệnh, tuổi tác, điều kiện kinh tế và mức độ ảnh hưởng trên tâm lý người bệnh mà bác sĩ sẽ:

– Kê toa cho bệnh nhân thoa một số thuốc thuộc nhóm corticoid, thuốc ức chế calcineurin, thuốc dẫn xuất từ vitamin D hoặc một số thuốc khác.

– Kê toa thuốc uống.

– Chiếu tia cực tím, chiếu ánh sáng đơn sắc hoặc chiếu laser.

– Phẫu thuật cấy mụn nước, cấy ghép tế bào sắc tố…

– Tẩy trắng vùng da còn sắc tố bình thường bên ngoài (nếu người bệnh bị bạch biến trên vùng da rộng lớn và không đáp ứng với các trị liệu thông thường).

NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG THUỐC

– Các thuốc uống và thoa trị bệnh bạch biến không được tự ý mua dùng, cũng như dùng một thời gian dài mà chưa có sự thăm khám và chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Thuốc nào cũng có tác dụng phụ nếu không theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

V. Cách phòng tránh và chăm sóc da

Hiện nay, chưa có phương pháp phòng tránh để không mắc bệnh, chỉ phòng tránh các tác dụng phụ của thuốc điều trị và giúp kiểm soát bệnh phần nào với những hiểu biết đúng đắn về bệnh.

Người bệnh cần tránh nắng hiệu quả (thoa kem chống nắng, dùng trang phục, mũ để che da …, hạn chế đi nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều), giới hạn các chấn thương cơ học trên da vì có thể làm phát sinh thêm thương tổn mới tại vị trí bị chấn thương.

Người bệnh nữ có thể dùng mỹ phẩm trang điểm để che giấu các vùng da bị mất màu.