Tẩy trắng da bằng Monobenzone và các sai lầm thường gặp

Nội Dung

Monobenzone là hoạt chất có khả năng làm mất sắc tố của da. Thuốc hoạt động thông qua việc kích thích tăng thải trừ melanin (các chất có vai trò tạo nên màu sắc da) khỏi các tế bào da. Thuốc cũng có thể tác động thông qua việc phá hủy các tế bào hắc tố (chịu trách nhiệm sản sinh ra melanin) và từ đó làm mất sắc tố vĩnh viễn.

Tuy vậy, cơ chế tác động của monobenzone lên hiện tượng làm mất sắc tố da chưa được hiểu rõ hoàn toàn.

Chỉ định dùng Monobenzone:

Thuốc được FDA phê duyệt để làm mất sắc tố vùng da còn màu sắc bình thường còn lại trong những trường hợp mắc bệnh bạch biến lan rộng, và được chỉ định để làm mất sắc tố vĩnh viễn vùng da bình thường vùng da bình thường bao quanh vùng da bạch biến ở những bệnh nhân mắc bệnh bạch biến vô căn lan tỏa (diện tích da bệnh chiếm trên 50% diện tích bề mặt da của cơ thể).

Những trường hợp nào không nên dùng Monobenzone?

  • Monobenzone không phải là mỹ phẩm. Người bệnh không nên dùng monobenzone để điều trị bất kỳ một bệnh lý nào khác ngoài tình trạng bạch biến lan tỏa. Kem bôi Benoquin 20% (thành phần là Monobenzone) thường gây ra tình trạng mất sắc tố không thể đảo ngược, và không nên sử dụng monobenzone để thay thế cho hydroquinone.
  • Monobenzone cũng bị chống chỉ định ở những người có tiền sử quá mẫn hay nhạy cảm với Monobenzone hoặc bất kỳ thành phần nào khác có trong thuốc thoa.

Sử dụng Monobenzone ở những đối tượng đặc biệt:

  • Phụ nữ mang thai: Thuốc được phân nhóm C theo FDA. Hiện tại thuốc chưa được nghiên cứu đầy đủ về khả năng gây hại cho thai nhi khi được sử dụng ở phụ nữ đang có thai, cũng như sự ảnh hưởng của thuốc lên khả năng sinh sản. Do đó, thuốc chỉ nên được sử dụng ở phụ nữ mang thai khi thật sự cần thiết và có chỉ định rõ ràng từ bác sĩ điều trị.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện tại thuốc chưa được nghiên cứu đầy đủ về khả năng thanh thải qua sữa mẹ. Bởi vì nhiều thuốc khi sử dụng ở phụ nữ đang cho con bú có thể di chuyển vào sữa mẹ, người bệnh cần lưu ý về khả năng Monobenzone di chuyển vào sữa mẹ và hấp thu vào cơ thể con khi sử dụng thuốc.
  • Trẻ em: Monobenzone chưa được nghiên cứu đầy đủ về tính hiệu quả cũng như tính an toàn khi sử dụng trên những trẻ dưới 12 tuổi.

Cách dùng monobenzone:

  • Thoa thuốc lên vùng da mong muốn làm mất sắc tố 2-3 lần/ngày hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ chỉ định.
  • Nên tránh tiếp xúc kéo dài với ánh nắng mặt trời trong thời gian điều trị với Benoquin 20% (thành phần chính là monobenzone).
  • Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ những vùng da mất sắc tố do diễn tiến tự nhiên của bệnh, cũng như mất sắc tố do sử dụng Monobenzone
  • Hiện tượng mất sắc tố thường đạt được sau khoảng 1 đến 4 tháng điều trị với Monobenzone nồng độ  20%. Nếu kết quả không đạt được như mong muốn sau 4 tháng điều trị với Monobenzone nồng độ 20%, nên ngừng sử dụng thuốc. Trường hợp người bệnh đã đạt được mức độ mất sắc tố mong muốn, người bệnh chỉ nên duy trì tần suất bôi thuốc đủ để giữ màu da trắng (thường là chỉ 2 lần mỗi tuần)
  • Bảo quản thuốc ở nơi thoáng mát, nhiệt độ được khuyên để bảo quản thuốc là 25oC

Tác dụng phụ của monobenzone

  • Monobenzone nồng độ 20% có thể gây một số tác dụng phụ không mong muốn gây khó chịu cho người bệnh, bao gồm: Gây kích ứng da và gây nhạy cảm da nhẹ, thoáng qua, có thể biểu hiện qua một số dấu hiệu như đỏ da, phản ứng giống chàm, mụn nước, ngứa, cảm giác bỏng rát.
  • Mặc dù các tác dụng phụ này thường là thoáng qua, người bệnh nên ngừng sử dụng thuốc Monobenzone ngay khi có tình trạng kích ứng, cảm giác bỏng rát, hoặc viêm da (thể hiện qua một số dấu hiệu như đã nêu trên) xảy ra.
A close-up of a hand holding a leafDescription automatically generated with low confidence
Hình: Viêm da tiếp xúc kích ứng khi sử dụng monobenzone
  • Những vùng da bình thường ở xa vùng được bôi Monobenzone 20% thường xảy ra hiện tượng mất sắc tố, đôi khi là quá mức và vĩnh viễn, gây mất thẩm mỹ cho người bệnh.
  • Khả năng sinh ung (khả năng gây ra ung thư), khả năng sinh đột biến, và gây ra hiện tượng vô sinh ở người sử dụng monobenzone vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Sai lầm thường gặp khi sử dụng monobenzone

TextDescription automatically generated
  • Sử dụng monobenzone dù diện tích da bị bạch biến rất ít: Trong cộng đồng người bệnh bạch biến hiện nay, đang có xu hướng sử dụng monobenzone dù diện tích mất màu da là rất ít so với toàn bộ diện tích bề mặt da của cơ thể (1 vài ngón tay hoặc vùng cằm,…). Những trường hợp này rõ ràng diện tích da bị bạch biến dưới 50% diện tích cơ thể và không có chỉ định để sử dụng monobenzone như đã đề cập ở phía trên. Thay vào đó, người bệnh nên tìm đến các trung tâm y khoa uy tín để được tư vấn điều trị thuốc uống, thuốc thoa, liệu pháp ánh sáng cũng như có thể ghép da, cấy ghép tế bào tự thân để phục hồi màu sắc da nếu bệnh đang trong giai đoạn ổn định, không lan thêm.
  • Sử dụng monobenzone nồng độ cao ngay từ đầu và vẫn cố gắng tiếp tục sử dụng monobenzone dù đã có các dấu hiệu cho thấy tác dụng phụ do thuốc: Trong cộng đồng người bệnh bạch biến cũng tồn tại xu hướng sử dụng monobenzone nồng độ cao, thường là Monobenzone 80% ngay từ đầu. Những người bệnh này cho rằng việc sử dụng nồng độ cao ngay từ đầu sẽ giúp cho da mất sắc tố nhanh hơn. Tuy nhiên, việc này rất có hại cho làn da của bạn, bởi lẽ nồng độ càng cao thì tác dụng phụ gây ra do thuốc xảy ra càng sớm và càng nhiều. Một số bệnh nhân khi có triệu chứng ngứa, đôi khi rát, là các tác dụng phụ rõ rệt cho thấy cần ngừng sử dụng thuốc như đã nêu ở trên trong phần nói về tác dụng phụ của thuốc, vẫn tiếp tục kiên trì sử dụng với hi vọng sẽ nhanh chóng có một làn da trắng đẹp. Điều này là chưa đúng và người bệnh cần lưu ý tránh khi sử dụng Monobenzone. Cho đến thời điểm hiện tại, phần lớn các tổ chức trên thế giới đều hướng dẫn khởi động sử dụng Monobenzone có nồng độ thấp, từ 10-20%.
  • Không tránh nắng và chống nắng sau khi sử dụng monobenzone: Mất sắc tố sau khi sử dụng thuốc cũng đồng nghĩa với việc làn da của người bệnh sẽ hoàn toàn không còn được bảo vệ bởi hàng rào melanin khỏi  tác động nguy hiểm của tia cực tím. Do đó, mọi hướng dẫn trên thế giới đều khuyến cáo người bệnh phải sử dụng kem chống nắng, cũng như tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sau khi sử dụng monobenzone.

Nếu bạn bị bạch biến và đang băn khoăn không biết mình có thể được điều trị bằng các phương pháp ghép da, ghép tế bào tự thân (EPIGRAFT, EPIVINCELL) để trả lại màu sắc da bình thường cho các vùng da mất sắc tố hay không, hãy đến phòng khám Medcare để được các bác sĩ tư vấn nhé!!!

Chia sẻ