Nếu một ngày bạn xuất hiện một đốm trắng, liệu bạn đã mắc bệnh bạch biến ?! Hãy tìm hiểu bài viết để tìm hiểu những bệnh da biểu hiện giống như bệnh bạch biến
Bệnh bạch biến là bệnh da mất sắc tố, đặc trưng bởi những mảng màu trắng. Thường không triệu chứng, có thể có kích thước từ vài milimet đến vài centimet. Bạch biến thường xuất hiện ở mặt, phần ngực trên, bàn tay, mắc cá, nách, bẹn. Thường xung quanh các lỗ tự nhiên như mắt, mũi, miệng, lỗ tiểu, hậu môn – đây là những vị trí thường xuyên chịu sự cọ sát. Do đó, rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý mất sắc tố khác, dưới đây là một số bệnh lý có biểu hiện tương tự bạch biến:
Nội dung bài viết
ToggleNhững bệnh da biểu hiện giống như bạch biến
1. BỆNH LANG BEN
Một trong những bệnh lý phổ biến gây ra nhầm lẫn với bệnh bạch biến là bệnh lang ben. Bệnh là do sự tăng sinh và phát triển của vi nấm Malassezia. Bệnh biểu hiện bằng những dát, mảng hình tròn hoặc bầu dục, có xu hướng lan dần và kết hợp với nhau. Các mảng này xuất hiện với nhiều màu sắc, nhưng đặc trưng nhất vẫn là các mảng mất sắc tố, bề mặt có các vảy rất mịn. Vùng da bệnh thường phân bố ở những vị trí tiết bã nhiều như phần thân trên, cánh tay, cổ, mặt, vùng mu… Triệu chứng đi kèm có thể là ngứa, đặc biệt khi thời tiết nóng ẩm, da đổ nhiều mồ hôi. Thuốc uống, thuốc thoa trị nấm có thể giúp điều trị bệnh lang ben.
2. VẢY PHẤN TRẮNG
Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em từ 3 đến 16 tuổi, đặc trưng là những mảng trắng kích thước từ 0.5 – 5 cm phân bố ở mặt và cánh tay. Cạo nhẹ trên bề mặt da bệnh có thể thấy xuất hiện những vảy trắng mịn. Da khô là dấu hiệu đi kèm thường gặp trên những bệnh nhân này. Bệnh sẽ diễn biến trong một thời gian dài, có xu hướng tái phát. Thường nặng hơn vào mùa hè khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bệnh lành tính và có xu huóng tự giới hạn. Để điều trị bệnh, chống nắng và dưỡng ẩm là những việc cần thiết giúp cải thiện tình trạng vảy phấn trắng.
3. MẤT SẮC TỐ SAU VIÊM
Mất sắc tố (hay mất màu da) sau viêm là bệnh lý biểu hiện với những mảng mất sắc tố một phần hoặc toàn bộ sau một bệnh lý trước đó. Khác với bệnh bạch biến, bệnh là hậu quả của chấn thương hoặc các bệnh lý gây viêm trên da (vảy nến, viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, chốc, lupus ban đỏ…). Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ, thường thấy rõ hơn ở những trẻ có type da sậm màu. Bệnh thường không khiến bạn có triệu chứng khó chịu như ngứa hay rát. Đặc trưng là những mảng trắng xuất hiện trùng khớp với vị trí những tổn thương viêm hoặc chấn thương trước đó. Bệnh thường tự hồi phục, nhưng đôi khi có thể gây mất sắc tố vĩnh viễn. Thời gian bệnh hồi phục có thể ngắn hoặc dài, phụ thuộc vào nguyên nhân gây mất sắc tố cũng như mức độ tổn thương viêm trước đó. Mất sắc tố sau viêm có thể điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào sắc tố như bệnh bạch biến (như EPIGRAFT và EPIVINCELL)
4. BỚT MẤT SẮC TỐ
Bớt mất sắc tố có biểu hiện giống với bệnh bạch biến. Bớt biểu hiện bởi những mảng trắng giới hạn rõ trên một vùng da của cơ thể. Bệnh thường xuất hiện từ lúc mới sinh hoặc ngay trong những năm đầu đời. Đặc trưng của các bớt mất sắc tố là một mảng hoặc dát màu nhạt bờ không đều, giới hạn rõ. Lông tại vị trí của các vùng da nằm trên bớt cũng không bị mất màu. Các bớt mất sắc tố không triệu chứng, thường xuất hiện đơn độc và cũng không tiến triển theo thời gian. Bớt có thể điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào sắc tố như bệnh bạch biến (như EPIGRAFT và EPIVINCELL)
5. MẤT SẮC TỐ DẠNG ĐỐM TỰ PHÁT
Xuất hiện ở lứa tuổi trung niên trên những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như ngực lưng, tay, mặt. Nguyên nhân của bệnh hiện vẫn chưa biết rõ, có thể do yếu tố di truyền và ánh nắng mặt trời. Mất sắc tố dạng đốm đôi khi biểu hiện giống bệnh bạch biến. Là những chấm màu trắng khoảng từ 3-5 mm, giới hạn rõ Vị trí xuất hiện thường ở mặt duỗi vùng cánh tay hoặc cẳng chân, ít khi xuất hiện trên mặt. Đây là một tình trạng hoàn toàn lành tính, việc sử dụng một số loại thuốc bôi, hoặc điều trị laser có thể góp phần cải thiện tình trạng mất sắc tố dạng đốm tự phát. Tuy vậy, việc điều trị còn rất nhiều khó khăn và thường không khỏi. Ngoài yếu tố di truyền, ánh nắng mặt trời vẫn là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Vì vậy, tránh nắng là một biện pháp rất cần thiết ở những bệnh nhân có tình trạng mất sắc tố dạng đốm trên da. Bệnh có thể điều trị tốt bằng phương pháp cấy ghép tế bào sắc tố như bệnh bạch biến (như EPIGRAFT và EPIVINCELL)
CẦN LÀM GÌ KHI PHÁT HIỆN MỘT ĐỐM TRẮNG TRÊN DA ?
Bạn cần nhớ rằng không phải mọi đốm trắng trên da đều là bệnh bạch biến. Khi phát hiện một đốm trắng trên da, việc đầu tiên bác sĩ có thể giúp bạn là trả lời câu hỏi đốm trắng này có phải là bệnh bạch biến hay không? Bệnh bạch biến có những đặc trưng riêng như là những mảng mất sắc tố giới hạn rõ, phân bố ở những vị trí đặc trưng dễ cọ xát như mặt, ngực, bàn tay hay quanh các lỗ tự nhiên … Trong trường hợp hình ảnh nhìn bằng mắt thường không rõ ràng. Các bác sĩ sẽ dùng đến những công cụ hỗ trợ như đèn Wood, dermoscopy hoặc sinh thiết để chẩn đoán. Từ đó đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp như Ruxolitinib 1,5%, EPIGRAFT và EPIVINCEL…
Lời kết:
Như vậy, để phát hiện sớm bệnh bạch biến cũng như các bệnh lý mất sắc tố da khác, hãy thường xuyên tự kiểm tra da. Cần chú ý đến thời gian xuất hiện các đốm trắng, mức độ lan rộng cũng như các triệu chứng đi kèm khác như ngứa, châm chích, bong tróc vảy …
Hãy nhanh chóng khám trực tiếp tại các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị sớm bệnh bạch biến cũng như các rối loạn mất sắc tố da khác. Hy vọng bài viết đã mang đến cho người đọc thông tin về những bệnh da liễu giống bạch biến.