BỆNH GIANG MAI

Giang mai là bệnh lý do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2012, ước tính có đến 5.6 triệu trường hợp được chẩn đoán nhiễm giang mai, trong đó tập trung ở nhóm dân số 15 – 49 tuổi.

Người bị nhiễm vi khuẩn giang mai chủ yếu qua đường tình dục, hoặc lây truyền từ mẹ sang thai và qua truyền máu (hiếm gặp hơn). Cho đến nay, việc điều trị giang mai đã trở nên đơn giản và hiệu quả.

Tuy nhiên, người bệnh cần được phát hiện và chẩn đoán sớm nhằm ngăn chặn diễn tiến bệnh kéo dài dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.

Cơ chế bệnh sinh và triệu chứng lâm sàng

Người bị nhiễm bệnh giang mai khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét có chứa tác nhân trong lúc quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hay miệng. Vết loét có thể xuất hiện quanh dương vật, âm đạo, hậu môn hoặc trực tràng, môi hoặc miệng. Người mẹ bị giang mai cũng có thể lây truyền bệnh sang thai nhi.

Bệnh giang mai được chia thành nhiều giai đoạn (giai đoạn I, giai đoạn II, giai đoạn tiềm ẩn và giai đoạn III) với các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau.

Giai đoạn I

Người bị giang mai giai đoạn I (giang mai nguyên phát) thường xuất hiện các vết loét tại vị trí lây nhiễm ban đầu, trong khoảng từ 9 – 90 ngày sau khi nhiễm bệnh (trung bình 21 ngày). Các vết loét này sẽ xuất hiện quanh dương vật, hậu môn hoặc trong trực tràng, trong hoặc xung quanh miệng, với đặc điểm thường cứng, tròn và không đau, tổn thương dạng này được gọi là săng (chancre) giang mai.

Đôi khi bắt gặp triệu chứng nổi hạch gần những nơi xuất hiện săng giang mai. Do vết loét không đau nên người bệnh thường bỏ sót. Vết loét kéo dài từ 3 đến 6 tuần và tự lành bất kể có chữa trị hay không.

Mặc dù vậy, người bệnh vẫn cần được điều trị ngay cả khi vết loét biến mất để bệnh không chuyển sang các giai đoạn tiếp theo.

Tổn thương săng giang mai giai đoạn I ở dương vật

Giai đoạn II

Trong giang mai giai đoạn II (giang mai thứ phát), người bệnh có thể bị phát ban da hoặc kết hợp vết loét vùng niêm mạc miệng, âm đạo hoặc hậu môn. Giai đoạn này thường khởi đầu bằng triệu chứng phát ban tại một hoặc nhiều vùng trên cơ thể. Ban có thể nổi lên khi vết loét nguyên phát đang lành dần hoặc vài tuần sau khi vết loét đã lành.

Ban nổi lên trông giống như những đốm gồ ghề, đỏ hay nâu đỏ trên lòng bàn tay và/hoặc dưới bàn chân nên còn được gọi là ban đào. Ban thường không ngứa, đôi khi mờ nhạt nên có thể bị bỏ xót. Một số triệu chứng khác bao gồm sốt, sưng hạch, đau họng, rụng tóc, nhức đầu, sụt cân, đau cơ, và mệt mỏi. Cũng giống như giai đoạn I, những triệu chứng từ giai đoạn này sẽ biến mất dù được chữa trị hay không.

Tuy nhiên, nếu không chữa trị đúng cách, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn giang mai tiềm ẩn hoặc giang mai giai đoạn III, lúc này diễn tiến bệnh đã nặng và có thể gây ra các biến chứng nặng nề.

. Biểu hiện giang mai giai đoạn II (với hình ảnh ban đào ở lòng bàn tay, bàn chân)

Nếu không được điều trị thì bệnh sẽ chuyển sang giang mai tiềm ẩn, khi đó sẽ không xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Giang mai tiềm ẩn có thể kéo dài trong nhiều năm. Những dấu chứng và triệu chứng có thể không quay trở lại, hoặc bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn III.

Giai đoạn III

Giang mai giai đoạn III có tổn thương đặc trưng là gôm (gumma) giang mai ở da, cơ, xương và các tổn thương tim mạch (giang mai tim mạch). Bản chất của tổn thương này là các tế bào viêm mạn tính tập trung ở một khối mô, vì vậy gôm giang mai thường có kích thước lớn và nổi trên mặt phẳng da, đôi khi có vết loét trên bề mặt của gôm.

Giai đoạn này thường xuất hiện trong vòng từ 10 đến 30 năm sau khi bị lây nhiễm. Khi diễn tiến đến giai đoạn III mà không được điều trị, bệnh sẽ gây những tổn thương nặng nề và có thể dẫn đến tử vong.

Tổn thương dạng gôm trong giang mai giai đoạn III

Ngoài ra, một số thể bệnh đặc biệt như giang mai thị giác và giang mai thần kinh có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh. Các triệu chứng của giang mai thần kinh bao gồm đau đầu, khó phối hợp cử động cơ, liệt, tê bì, rối loạn tri giác.

Trong khi đó giang mai thị giác gây thay đổi về thị giác và có thể diễn tiến tới mù lòa.

Chẩn đoán

Việc chẩn đoán bệnh giang mai cần có các xét nghiệm chuyên sâu như: nhuộm soi vi khuẩn, xét nghiệm huyết thanh (VDRL, RPR, TP-PA,…), xét nghiệm phân tử (PCR).

Người bệnh khi đi khám sẽ được lấy bệnh phẩm là dịch tiết dương vật, âm đạo hoặc tại những nơi tổn thương như da, niêm mạc miệng, mô. Các mẫu bệnh phẩm này sẽ được làm xét nghiệm để chẩn đoán ra bệnh.

Điều trị

Thuốc điều trị giang mai hàng đầu hiện nay là Penicillin G, thuốc này được sử dụng bằng đường tiêm mạch máu. Thuốc có tác dụng trên tất cả các giai đoạn của bệnh và có thể dùng được trên phụ nữ có thai. Thời gian điều trị thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh, khi liệu trình sẽ kéo dài hơn ở giai đoạn II và giai đoạn III.

Với giang mai giai đoạn tiềm ẩn, thời gian điều trị có thể lên tới 1 năm. Một số thuốc khác cũng được khuyến cáo trong một số trường hợp đặc biệt như Doxycylin, Azithromycin, Ceftriaxone. Cần lưu ý rằng, ngay cả sau khi đã chữa trị dứt điểm thì vẫn có nguy cơ tái nhiễm nếu bạn tình chưa điều trị hoặc người bệnh còn thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm bệnh (quan hệ tình dục không an toàn).

Với người có bạn tình được chẩn đoán mắc bệnh giang mai, cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tầm soát giang mai. Nếu quan hệ tình dục trong vòng 90 ngày tính tới thời điểm bạn tình được chẩn đoán mắc bệnh giang mai, một số trường hợp có thể phải điều trị mặc dù có kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính.

Nguồn tham khảo:

  • 1. Guidelines for the management of symptomatic sexually transmitted infections. Geneva: World Health Organization; 2021 Jun. 
  • 2. Workowski KA, Bachmann LH, Chan PA, Johnston CM, Muzny CA, Park I, Reno H, Zenilman JM, Bolan GA. Sexually Transmitted Infections Treatment Guidelines, 2021. MMWR Recomm Rep. 2021 Jul 23;70(4):1-187.

Chia sẻ
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận